12:26:56
NHẠC VÕ TÂY SƠN

$IMAGE1$

Trong các bộ môn của Võ cổ truyền dành cho chiến đấu chống giặc ngoại xâm dưới triều đại Tây Sơn có một bộ môn đặc biệt mà không có bất cứ một môn phái võ thuật nào có được, đó chính là “Nhạc võ”. Nhạc võ là phương pháp dùng âm thanh vào việc nâng cao khí thế luyện tập võ nghệ cũng như tăng cường ý chí chiến đấu của quân sĩ khi xung trận.

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

1. Nguồn gốc xuất xứ


Ai cũng biết, sắc thái đặc biệt trong nền văn hóa cổ xưa của người Việt nổi bật hơn cả là việc dùng trống. Những cuộc khai quật đã đem đến cho các nhà khảo cổ một di sản dân tộc là các trống đồng mà đặc trưng hơn cả là “trống đồng Ngọc Lũ” là chứng cớ đặc biệt của nền văn minh Việt.

Tiếng trống từ xưa đến nay đối với dân tộc Việt Nam vẫn là hiệu lệnh để thi hành công việc cộng đồng, để báo hiệu một công việc có quan hệ chung, trống ra quân, trống ngũ liên, trống thu không, trống cầm canh... thường ở đình làng nào cũng có cái trống lớn để báo hiệu, trước khi trở thành một công cụ nghệ thuật từ việc trống chầu đến cầm chầu cho con hát. Vậy dụng ý của trống đồng là đại biểu uy lực của thủ lĩnh quần chúng, ban hành mệnh lệnh để rồi trở nên huy hiệu của mệnh lệnh và trở thành thiêng liêng.

Vì vậy, ta có thể nói rằng việc chế tạo và sử dụng trống là sắc thái đặc biệt của văn hoá Việt Nam và không có gì lạ khi ta biết rằng trong triều đại Tây Sơn (1788 - 1802) có một môn võ đặc sắc dành cho chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà không một phái võ nào có được đó chính là “Nhạc võ”.

Trong hàng ngũ tướng sĩ Tây Sơn thời ấy được sử sách lưu truyền về tài nghệ chơi “nhạc võ” của một vị nữ tướng dưới trướng nữ tướng Bùi Thị Xuân thông qua câu thơ:

“Thị Dần quả thực đa tài
Ngoài tài thuần phục ngựa, voi chiến trường
Nàng còn giỏi cả bộ môn
Đả thập nhị cổ tiếng đồn xa hơn”...

Ngoài “Thị Dần” còn có mỗt nữ cao thủ tên là Châu Thị Đăng là phu nhân của Trần Văn Kỷ, một danh sĩ dưới thời Tây Sơn Tam kiệt, nổi tiếng với biệt tài dùng sống kiếm để chém xả vào các mặt trống bằng đồng, tạo nên từng tràng, từng chuỗi âm thanh rờn rợn, liên hoàn, lúc khoan, lúc nhặt làm cho kẻ thù thoáng nghe đã kinh hồn khiếp đảm. Khi nghe bà Châu Thị Đăng biểu diễn ngón nhạc võ độc chiêu này, thời ấy nhiều người tưởng đó là một dàn nhạc với rất nhiều nhạc công tài hoa cùng diễn tấu.

2. Ý nghĩa tên gọi

Nhạc võ Tây Sơn là một nét văn hóa độc đáo của vùng đất Bình Định xuất phát từ phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, gắn với các lò võ nổi tiếng của người Việt ở Bình Ðịnh mà theo dân thoại Bình Ðịnh. Tương truyền loại nhạc này do ba anh em người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đặt ra cho quân khởi nghĩa luyện võ với tên gọi “Nhạc võ Tây Sơn” và theo nhạc pháp gọi là “Song thủ đả thập nhị cổ” (đây là một nghệ thuật đỉnh cao của trống võ, mang sắc thái đặc biệt của văn hóa dân tộc được Tây Sơn tam kiệt khai thác đến triệt để).

Sau khi ba Ngài mất, mỗi dịp tế lễ để tưởng niệm những vị anh hùng đã lãnh đạo quân sĩ quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, nhân dân ở quê các Ngài vẫn đánh trống võ. Nó đã trở thành một loại nhạc lễ trong di sản nghệ thuật của người Việt Nam (có sự kết hợp giữa tinh thần thượng võ và âm nhạc cổ truyền).

3. Công dụng tập luyện

Nhạc võ Tây Sơn là loại võ nhạc dùng khi thao dợt quân sĩ tại võ trường hay khi xuất quân nhằm kích thích sĩ khí của ba quân trong tập luyện cũng như trong chiến đấu thêm mạnh mẽ, khi thúc quân lướt tới trận mạc cho mau lẹ, khi cần hành quân tiến thoái nhịp nhàng, khi hãm thành cho uy thế thêm mãnh liệt hoặc là khi khải hoàn mà reo mừng thắng trận. Cũng theo truyền thuyết thì tiếng võ nhạc Tây Sơn cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng oanh liệt của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống ngoại xâm.

4. Bố cục trận pháp

Theo ghi chép của sách sử, nhạc khí căn bản của nhạc võ Tây Sơn là một dàn trống gồm 17 chiếc (có đường kính mỗi trống lớn, nhỏ khác nhau), da bịt trống có độ căng chùng, thẳng khác nhau nên tiếng trống phát ra những âm thanh to nhỏ, trầm bổng, cao thấp khác nhau, cùng với hai chiếc dùi trống (gọi là roi) dài khoảng 30 phân (được sử dụng bằng cả hai đầu) làm bằng gỗ. Trong đó bố trí như sau:

- 12 chiếc: tượng trưng cho 12 con giáp (thập nhị chi): tí, sửu, dần, mẹo, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi và khi học nhạc thì tên các con giáp này cũng là tên các cung bậc do tiếng trống phát ra. Trên giá đỡ 12 chiếc trống được dựng dàn thành ba bậc theo thứ tự từ lớn đến bé ứng với triết lý tam tài (Thiên - Địa - Nhân): 4 trống lớn với đường kính khoảng 40 phân, sau đó là 4 trống với đường kính 30 phân và cuối cùng là 4 trống đường kính khoảng 10 phân.

- 5 chiếc: một cái đặt ngang nơi đầu, hai cái đặt ngay hai bên hông, còn hai cái nữa thì đặt cho vừa tầm hai gót chân.

Đặc biệt môn nhạc võ Tây Sơn ngày xưa dùng trong hành quân thường có thêm chiếc trống đại (trống cái) và chiêng lớn.

5. Nghệ thuật đánh trống

Khi đánh trống thì võ sinh dùng dùi trống, có khi bỏ cả dùi trống mà chỉ dùng những ngón tay, bàn tay, nắm tay, cùi chỏ... (nghĩa là dùng đủ cả bộ phận của hai tay). Trường hợp dùng dùi trống thì cứ mỗi nhịp điệu cử động là ta có thể nghe được bốn âm thanh phát ra: nơi đầu dùi trống (1), kéo sang đuôi dùi trống (2), hạ cùi chỏ xuống (3) và bật ngửa nắm tay vào mặt trống (4). Cứ như thế mà hai tay của võ sinh nhảy múa trên 12 cái trống khi lơi lả nhẹ nhàng, khi dồn dập gấp rút, khi phấn khởi khoan thai. Chỉ có hai cái tay mà đánh cả một dàn trống 12 cái (cùng một lúc đánh vào bốn mặt trống hay tang trống).

Tuy nhiên, trong trường hợp mà võ sinh vượt khỏi tầm kinh điển đến bậc siêu thặng thì ngoài 12 cái trống đặt ngay trước mặt để cho hai tay sử dụng theo đúng nhạc pháp Song thủ đả thập nhị cổ, hãy còn đặt thêm 5 cái trống khác ở phía sau: để đầu ngả ngửa húc vào, dùng hai cùi chỏ thúc vào và đá hậu vào.

Đồng thời, hòa lẫn với âm thanh của các nhạc khí phụ trợ như đàn nhị, kèn, chũm chọe (não bạt hay xụp xỏa), tạo thành những âm điệu đặc thù cho từng bài võ, khi thì hùng dũng, chỉnh tề; khi thì khoan thai, êm đềm, vui tươi. Khi hành quân ra trận thì tiếng trống giục giã; khi công thành thì tiếng trống khẩn trương, gấp gáp. Hoặc khi khải hoàn, chiến thắng trở về thì tiếng trống có những âm sắc như phấn chấn, náo nức, reo hò, vui mừng ...

Trước khi chơi, võ sinh sẽ đi một đường quyền, bái tổ rồi mới bắt đầu đánh trống và các bản nhạc lần lượt nổi lên. Võ sinh điệu bộ hùng dũng, công lực dồn lên nét mặt, trổ ra hai tay dồn dập bên 12 cái trống xem  như một võ sinh đang múa đường quyền bên 12 cái trống kiểu lăng ba vi bộ nên mới gọi là nhạc võ. Võ sinh chơi bộ môn này cần phải biết võ thuật và khiếu thẩm âm để sự biểu diễn tăng thêm phần ngoạn mục (võ sinh đánh được 17 trống được xem là "võ thuật như thần").

6. Hình thức tập luyện

Võ sinh đánh trống không bao giờ ngồi mà chỉ đứng, hai tay vừa múa võ vừa đánh trống, có lúc nhanh tựa như cả 12 chiếc trống trận cùng được đánh một lúc khiến người nghe cảm thấy cảnh mưa rào thác đổ, khi nhặt khi khoan, khi dồn dập bức tim, khi hào hùng phấn chấn. Và đặc biệt, võ sinh vừa đánh vừa di chuyển chứ không ngồi một chỗ như nhạc công tấu nhạc.

Đầu tiên, tập bằng những bao đựng cát hoặc bằng bưởi, bòng... Sau đó, võ sinh thường treo lủng lẳng ngay hàng, hàng năm, muời cái trống (loại trống chầu hát bội) để tập võ. Võ sinh sẽ đánh, đá vào các cái  trống ấy. Trống bị sức mạnh đánh, đá sẽ văng ra xa và nhờ dây treo thoái ngược lại. Lối tập võ bằng trống này, một là để tạo những cú đánh (đấm), đá mạnh, nặng cân hơn; hai là để tập sự nhanh nhẹn chống đỡ, tránh né. Nếu không tinh mắt lẹ tay thì chắc chắn sẽ bị trống thoái ngược lại đập vào người gây thương tích.

​Cái khó nhất mà võ sinh đánh trống phải thực hiện trong một bài nhạc võ dài 7 phút là khi kết thúc, phải đánh đủ các tiếng trên mặt trống, đồng thời hòa âm thành những cung bậc trầm bổng.

II. BÀI BẢN NHẠC VÕ

Tương truyền, bí kíp Nhạc võ Tây Sơn có đến 72 bài múa võ đánh trống. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như đã bị thất truyền gần hết, chỉ còn lại 5 bài trong số 72 bài còn lưu truyền ở huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định. Đó là các bài: Khai quân (còn gọi là Khai trường) - Xuất quân - Hành quân - Hãm quân (còn gọi là Xung trận) và Hoàn quân (còn gọi là Khải hoàn).

Nhạc võ Tây Sơn, muốn biểu diễn đúng theo truyền thống và xem cho đẹp mắt thì trước hết, đi đầu là bộ phận của chiêng, trống, có quân hầu, lọng che; theo sau là hai toán quân (mặc áo cạp nẹp, chân quấn vòng ve, đầu đội nón dấu, tay cầm đao, kiếm, côn...) rồi đến giàn Nhạc võ đặt trên một chiếc xe đẩy (Nhạc trưởng đứng giữa, hai bên là  bốn nhạc công: đờn, kèn, chập chõa, mõ phụ họa); sau chót là vị tướng chỉ huy lẫm liệt trên mình voi hoặc ngựa.

Bắt đầu biểu diễn, vị tướng kêu gọi:

Ngoài biên thùy quân thù xâm lấn 
Trong nội tình đất nước lâm nguy 
Phận làm trai sinh tử nhẹ chi 
Quyết một dạ lên đường cứu quốc! 

Nhạc trưởng tiếp theo 

Anh em ơi! 
(Toàn thể nhạc công) “Dạ” 
Lệnh trên đà ban xuống 
Phận dưới phải thi hành 
Dùng kế mưu kích cổ đa thanh 
Ðịch lầm tưởng hùng binh vạn đội.

Ðằng trước khởi chinh cổ, giàn nhạc võ nổi lên và lần lượt theo các bài bản do vị tướng chỉ huy.

1. Bài nhạc Khai quân

Bài Khai quân chỉ dùng để luyện tập quân sĩ hay chào mừng các vị tướng chỉ huy khi cần đến diễn võ trường. Ðiệu nhạc khoan thai, hùng dũng. Thuở xưa, mỗi dịp có vị Hoàng đế hay vị Nguyên soái đến diễn võ trường để mở một cuộc diễn võ, tập võ hay là chọn tướng sĩ thì khi vị ấy bước vào võ trường, mỗi xứ có một điệu nhạc riêng để chào mừng nhà lãnh đạo. Riêng đối với quân Tây Sơn, điệu nhạc đó là ba hồi trống  khai quân. 

Trong khi đó, nhạc hát bội thường chỉ có hai cái trống căn bản gọi là “trống âm” và “trống dương” hay “trống quân” và “trống chiến”. Nếu người ta biết rằng hát bội ngày nay  là  do cụ Ðào Tấn ở Bình Ðịnh lập thành  qui chế, thì phép đánh trống của hát bội cũng đánh nhái theo điệu Khai quân của nhạc võ Tây Sơn. Trống Khai quân của hát bội phải đánh đúng ba sách, mỗi sách tám phách. Khi đánh đúng 24 phách, nhạc sĩ mở ra thành trống chiến và chờ cho trống quân gióng giáp ba hồi lại 9 tiếng thì người trống chiến phải  thét theo. Khi thét xong, nghĩa là khai trường xong thì nhạc sĩ mở trống ra cho nghệ sĩ ra sân khấu. Lúc đó thì người hát hát, nam, khách hay xuân... thì người đánh trống phải đánh theo thứ ấy. Nhưng thường người đánh trống chỉ được quyền đánh khi người nghệ sĩ trên sân khấu đã “thủ” và “vĩ”. Nếu người đánh trống tự ý đánh theo, gọi là đánh nhái. Nói về bài bản của nhạc hát bội thì có 8 bài kể từ bài nhịp một đến nhịp tám còn âm thanh hay hoặc dở tùy theo người nhạc sĩ bắt già hay non mà thôi. 

2. Bài nhạc Xuất quân

Xuất quân có nghĩa là đem quân đội ra chiến trường, nó có nghĩa là khởi hành và bao giờ khởi hành thì điệu nhạc phải làm sao cho tinh thần chiến sĩ phấn khởi lên, hăng hái lên và cũng phải gây cho được trong  lòng mọi người một niềm tin chiến thắng. Do đó, nhạc xuất quân của nhạc võ Tây Sơn theo điệu này là một điệu nhạc hùng, nhịp của nó càng nhặt làm cho tim mọi người đập càng lúc càng mau, nghe hăng hái, phấn khởi. 

3. Bài nhạc Hành quân

Ta  tưởng tượng một đạo quân hùng hậu đã xuất quân trong tình thần tối cao nhưng mà sau một khúc đường dài chắc hẳn cũng đã thấy mệt mỏi. Trong lúc ấy vị tướng chỉ huy chỉ kêu gọi nầng cao tinh thần suông, chúng ta có cảm tưởng rằng lời kêu gọi ấy không được đáp ứng. Trái lại, nếu lời khuyến khích là một lời êm ái, dịu dàng, có vẻ vui vẻ, có vẻ đùa cợt... thay vì đem lời hùng hồn thì đem lời an ủi êm ái, chắc có lẽ kết quả sẽ hay hơn.

Khi  đọc truyện Tàu, chúng ta nhớ lúc Quản Di Ngô ngồi trong cũi để được đưa về nước Tề thì thấy các quân khiêng cũi hơi mệt mỏi nên Quản Di Ngô bèn đặt ra những bài ca, bài hát để cho quân sĩ đi theo nhịp bài ca mà quên mệt mỏi.

Còn trong truyền thuyết của Tây Sơn, người Bình Khê thường thuật lại rằng: Khi quân Tây Sơn đi ra Thăng Long ngày đêm không nghỉ; phải hai người gánh võng một người. Để quân ta quên mệt mỏi, vua Quang Trung mới bày ra chuyện thi đua kể chuyện tiếu lâm để cho quân sĩ hào hứng. Và chúng tôi cũng nghĩ rằng không biết chừng dàn trống của nhạc võ Tây Sơn lúc ấy lại trổi khúc hành quân nhằm mục đích giống như mục tiêu của việc thi đua kể chuyện tiếu lâm trên kia.

Khúc nhạc này của nhạc võ Tây Sơn cũng diễn tả được cái ý nghĩ đó. Khúc nhạc này có đoạn nhạc sĩ chỉ đánh thuần bằng tay không, bằng những ngón tay, bàn tay, nắm tay và cùi chỏ nghe rất vui tai và xem đẹp mắt.

4. Bài nhạc Hãm thành

Chúng ta lại tưởng tượng tiếp như đoàn quân Tây Sơn đã  đến  dưới chân  thành và  vị tướng chỉ huy đã ra lệnh hãm thành thì phận sự của nhạc sĩ sử dụng giàn trống là phải gây cho chiến sĩ một tinh thần nỗ lực tối đa để công phá thành trì hầu cướp được cho nhanh chóng. Ðiệu nhạc này nghe thật là sôi nổi, dồn dập, kích động tối đa lòng dũng cảm của mọi người. 

5. Bài nhạc Khải hoàn

Và sau cùng là bài Khải hoàn, điệu nhạc này dĩ nhiên âm thanh phải diễn đạt cho được sự vui mừng, phấn khởi, hò reo của người chiến thắng. Ai đã có nghe xem nhạc võ Tây Sơn sẽ nhận rõ điều đó. Ðiệu bộ và  âm thanh hòa nhịp khoan, nhặt, khi bổng, khi trầm, khi lơi lả, lúc dồn dập thật là khó tả. Ngày xưa, “người Việt đã nghe tiếng gọi của Trưng Trắc, Trưng Nhị mà chống lại Tô Ðịnh muốn lấy luật pháp mà trói buộc; đã mười năm gian khổ theo Lê Lợi để đuổi đám tướng binh nhà Minh nhiễu loạn cuộc sống của dân chúng; đã cùng Nguyễn Huệ đánh trống tiến quân vào Thăng Long để khỏi phải bím tóc và kết  đuôi sam giống người Mãn Thanh và chắc chắn mãi mãi về sau này, dân tộc Việt Nam còn thì văn hóa dân tộc Việt Nam cũng vẫn có và vẫn còn cái tinh thần bất khuất để bảo vệ nền văn hóa của dân tộc”. Bởi vì tiếng trống Lạc Việt, tiếng trống Tây Sơn luôn luôn mang nặng tình tự dân tộc và văn hóa Việt Nam không bao giờ thiếu vắng những tiếng trống đặc trưng đó.


VÕ PHÁI BÌNH ĐỊNH VIỆT NAM

(Đã ký)

Trưởng phái viên Võ Bình Việt

Category: Nghệ thuật biểu diễn | Views: 453 | Added by: admin | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
avatar