23:13:48 THUẦN CHÍNH THẬP NHỊ THỦ (Phần Mở Đầu) | |
* Yên tử cư sĩ Trần Đại Sỹ
Võ sư Trần Huy Quyền * LỜI GIỚI THIỆU - Tác giả: Thủy Tiên Công Chúa (1254 – 1329) - Xuất xứ: Vạn Pháp Quy Nguyên và Đông-A Di Sự (phần Vũ-kinh) - Dịch, biên tập chú giải: Trần Đại-Sỹ - Với sự trợ giúp của Võ sư Trần Huy Quyền, Lê Như Bá Copyright by Trần Đại Sỹ – Trần Huy Quyền – Lê Như Bá. Các soạn giả giữ bản quyền. Tout droits réservés. All rights reserved. Tuyệt đối cấm trích dịch, in lại, sao bản chụp hình, nếu không có sự đồng ý của dịch giả. 1. NGUỒN GỐC Năm 1280, quân Mông Cổ chuẩn bị sang xâm lăng Việt Nam. Vua ra lệnh cho các vương hầu, tướng sĩ, võ phái đều được mộ binh, tổ chức huấn luyện. Trong hoàng cung, bà Linh Từ (Vương phi của Trung vũ đại vương, lĩnh Thái sư Trần Thủ Độ) họp tất cả các phi tần, công chúa, cung nga, quận chúa lại và ban huấn từ : "Giặc sắp đến, các người phải luyện tập võ nghệ để có thể xuất trận chống xâm lăng. Nếu võ không tinh thì ít ra cũng tự bảo vệ được bản thân, không làm bận đến tướng sĩ để bảo vệ" Bà chỉ định: Khâm Từ hoàng hậu, Thiên Thụy công chúa (vương phi Hưng Võ Vương, con Hưng Đạo Vương) và Thủy Tiên Công chúa dạy các cung phi, cung nga. Còn công chúa, quận chúa thì đích thân bà dạy. Khi dạy võ, Thủy Tiên Công chúa thấy dạy cương quyền cho phái nữ để chuẩn bị chống với binh sĩ Mông Cổ là loại người to lớn, dũng mãnh, thì khó mà bảo toàn thân thể. Vì vậy bà mới tìm ra tất cả thế nhu, chống lại đủ hình thức tấn công của đối thủ. Sau khi thắng Mông Cổ, bà chép lại thành bộ "Thuần Chính Thập Nhị Thủ" là những phương pháp hiền hậu để tỏ ra mình là người trinh tĩnh, tiết hạnh. Năm Xương Phù thứ 11 (1387) Thái sư Trần Nguyên Đán chép vào bộ Đông A Di Sự, chú thích, vẽ đồ hình đầy đủ, và cho khắc bản in. Nay còn lưu truyền. 2. TIỂU SỬ TÁC GIẢ Thủy Tiên Công Chúa là dưỡng nữ Hưng Đạo Vương. Không rõ bà xuất thân từ đâu, cha mẹ là ai. Chỉ biết bà được Hưng Đạo Vương yêu thương nhận làm con nuôi. Bà sinh niên hiệu Nguyên Phong thứ tư (1254) đời vua Trần Thái Tông. Lên 6 tuổi bắt đầu học võ với Hưng Đạo Vương. Sau này bà học với Khâm Từ hoàng hậu (vợ vua Nhân Tông và là con đẻ Hưng Đạo Vương). Nhưng sự thực tất cả võ công và nội công của bà do Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng và Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản dạy. Hưng Đạo Vương gả bà cho danh tướng Phạm Ngũ Lão. Sử chép rằng võ công của bà được liệt vào hàng thứ 15 đời Trần, trong khi Phạm Ngũ Lão đứng hạng thứ 17, tức võ công thua bà hai bậc. Bà có công huấn luyện võ thuật cho toàn thể cung phi, cung nga đời Trần. Chính vì vậy, khi mà quân Mông Cổ chiếm Thăng Long, các cung phi, cung nga tự bảo vệ, di tản an toàn, không cần hộ tống. Tuy nhiên, bà không hoàn toàn đi theo hoàng cung. Bà theo sát phu quân là danh tướng Phạm Ngũ Lão đánh trận Chương Dương, Nội Bàng, sau này cũng chính bà theo phu quân chinh phạt Ai Lao và Chiêm Thành. Sách Đông A Di Sự, Thủy Tiên Công Chúa liệt truyện chép: "Công chúa mặt đẹp như ngọc, dáng người thanh nhã, tiếng nói khoan thai, lòng đầy nhân ái, nhưng khi xung trận thì dũng mãnh phi thường". Bộ Mông Thát Cáo Lục chép: "Vợ tướng họ Phạm là con gái của Hưng Đạo Vương, không biết tên là gì, tước phong Thủy Tiên Công Chúa. Thủy Tiên dáng người thanh thoát, mặt đẹp; nói thông thạo tiếng Mông Cổ âm Hoa Lâm, tiếng Hán âm Lâm An. Khi lâm trận đối đáp với tướng Mông Cổ bằng ngôn từ nhẹ nhàng, nhưng khi giao tranh thì dũng mãnh phi thường. Nhiều tướng Mông Cổ không đề phòng, bị Thủy Tiên giết. Tướng Nguyễn Linh Nhan bị Thủy Tiên bắt sống". Lưu ý độc giả, trong tất cả các sách của Trung Quốc viết về cuộc chiến Mông - Việt, họ gọi thẳng tên các vua Trần. Như vua Trần Thái Tông họ gọi là Trần Cảnh, trong khi họ gọi Trần Quốc Tuấn bằng tước Hưng Đạo Vương, để tỏ lòng kính trọng. Công chúa hoăng vào niên hiệu Khai Thái năm thứ sáu đời Trần Minh Tông (1329), thọ 75 tuổi. Huyền sử Việt Nam kể rằng sau khi mất bà hiển thánh. Cho nên ngày nay tại tất cả các đền thờ Hưng Đạo Vương trên toàn Việt Nam đều có tượng thờ bà. Tại đền thờ nói đến Tứ Vị Vương Tử, Nhị Vị Vương Cô, bà là một trong Nhị Vương Cô. Chính bà đã dùng một chiêu trong Thuần Chính Thập Nhị Thủ bắt một danh tướng Mông Cổ là Nguyễn Linh Nhan, cho nên ngày nay mỗi khi về đồng bà, người ta còn diễn lại tích này. Về võ học, bà có để lại các phát minh sau: - Thuần Chính Thập Nhị Thủ, - Thủy Tiên Liên Hoa quyền, - Thủy Tiên Trường Xuân Công, - Thủy Tiên Trị Liệu Thủ (phương pháp dùng chỉ lực chữa bệnh, rất thần diệu) (Thất truyền). 3. PHÂN TÍCH CÁC THỦ Thủ nghĩa đen là tay. Mỗi thủ có một tên, 12 thủ có 12 tên nguyên thủy do công chúa đặt ra. Nhưng khi chép vào bộ Đông A Di Sự, Thái sư Trần Nguyên Đán lại đổi tên đi để cho hợp với các hoạt động cơ thể.
MỘT LÀ, đọc, nhớ kỹ danh hiệu các chiêu thức. Mỗi chiêu thức có một tên, tên đó nhắc nhở cho biết nội dung động tác.
HAI LÀ, thuộc các nguyên lý võ học. BA LÀ, luyện tập theo thứ tự từ chiêu thứ nhất đến chiêu thứ 12. BỐN LÀ, trước khi luyện, phải luyện Nội công, Khí công chỉ định. Sau khi thuần nhuyễn Nội công, Khí công mới luyện các chiêu. NĂM LÀ, phải luyện theo thứ tự, từ thủ thứ nhất, đến thủ thứ nhì... Vì là loại nhu quyền, nên tuyệt đối tránh dùng cương giải quyết, không được xử dụng những đòn, thế của cương quyền. Luôn luôn nhớ rằng: Người sử dụng nhỏ bé, không biết võ, chống lại người to lớn khỏe mạnh. Mỗi chiêu thức bao giờ cũng có ba phần, đó là một nguyên lý căn bản của Võ Việt đời Trần, để phân biệt với các võ khác. Đó là: Công, Nghinh, Thủ. Nhiều võ phái khác, mỗi chiêu thức của họ chỉ CÔNG không, hoặc NGHINH không, hoặc THỦ không. Nhưng môn võ này là võ Trấn Bắc Bình Nam nghĩa là bảo vệ quốc gia, cho nên: Trong thế CÔNG bao giờ cũng kín đáo, không để hở cho địch tấn công vào, như thế là trong thế công có thế thủ. Trong thế THỦ bao giờ cũng dự trù một thức phản công, như thế là trong thế thủ có thế công. Trong một chiêu, mà chúng ta xuất phát, không bao giờ tấn công trước. Đợi đối thủ xuất chiêu rồi nhân đó phản công. Thế là trong thế công bao hàm chống đỡ, đó là NGHINH. 4. NỘI CÔNG, KHÍ CÔNG XỬ DỤNG Cũng như hầu hết các pho võ thuật cổ của tộc Việt: Mỗi pho đều đính kèm phần Nội công, Khí công áp dụng. Trong Thuần Chính Thập Nhị Thủ, Công chúa Thủy Tiên có đính kèm: – Mỗi Thủ đều có phần Nội công bắt buộc người luyện phải tập, để có thể sử dụng những chiêu thức sao cho linh hoạt, dẻo dai, thăng bằng và có lực. – Một phần Khí-công bắt buộc phải luyện mới có thể phát lực. Hơn nữa sau mỗi buổi tập, sao cho cơ thể không mệt mỏi, cùng quy tụ chân khí. – Muốn luyện Nội công, Khí công của Thuần Chính Thập Nhị Thủ phải hội đủ các điều kiện sau: Một là, phải hiểu thấu đáo một trong các kinh Kim cương, Lăng già hay Bát nhã, sau buổi tập dùng quy liễm chân khí. Theo quan niệm các võ học danh gia thời Đông A (Trần) thì khi luyện võ trong tâm đều nảy sinh ra ác nghiệp: Muốn giết, muốn đánh đối thủ. Cái ác tâm đó dần dần tích tụ sẽ sinh ra những phản ứng tai hại trong cơ thể. Sau này được gọi là nhập ma chướng. Cho nên khi luyện Thuần chính Thập Nhị Thủ phải dùng tinh hoa của ba kinh Kim cương, Lăng già và Bát nhã hóa giải. Hai là, phải biết dẫn khí. Ba là, phải biết điều khí thông qua 12 chính kinh, Kỳ kinh bát mạch, vòng Tiểu Chu thiên, vòng Đại Chu thiên. Phần này chúng tôi không dịch, không chú giải, vì quá dài. Nếu biên tập hết, chẳng hóa ra phải soạn một pho Võ học toàn thư ư? Chúng tôi không có thời gian để làm công việc này. Vì cuộc đời tôi đã dành để viết về năm thời đại oanh liệt của tộc Việt trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Xin độc giả niệm thứ. Tôi hứa sau khi hoàn thành: - Thời đại Lĩnh Nam (Thuật vua Trưng cùng 162 tướng khởi binh lập nền tự chủ). - Thời đại Tiêu Sơn (Thuật cuộc đánh Tống, bình Chiêm của triều Lý). - Thời đại Đông A (Thuật cuộc bình Mông, đời Trần, Thời đại Lam Sơn (Thuật cuộc khởi nghĩa của vua Lê). - Thời đại Tây Sơn (Thuật cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn và đánh giặc Thanh). Bấy giờ tôi sẽ biên tập, dịch bộ Vạn Pháp Quy Nguyên. 5. HUẤN THỊ TỔNG QUÁT Đây chỉ là một Võ học bậc trung, không phải là loại tuyệt học, tức võ học tối cao. Tuy nhiên trong cũng có 40% là những chiêu giết người trong chớp mắt. Nhất là những chiêu điểm huyệt. Các võ sư, giáo sư không nên dạy cho võ sinh cấp nhỏ học. Vì muốn điểm huyệt phải: – Hiểu rõ 12 kinh mạch, Nhâm, Đốc (kinh, kỳ kinh bát mạch). Hơn nữa phải học thần công biết phát lực đã. – Điểm huyệt không trúng, thì rất nguy hiểm cho bản thân. – Điểm mạnh quá làm đối thủ chết hoặc thành phế tật, thiếu nhân đạo. Dầu đối với kẻ thù. – Điểm trúng rồi làm sao giải huyệt ? Nếu thần công không có? Sàigòn, ngày 6 tháng 8 năm 1970 Yên tử cư sĩ TRẦN ĐẠI SỸ Biên tập: Chuẩn võ sư Nguyễn Thái Bình | |
|
Total comments: 0 | |