13:35:16
HỎA KHÍ


Năm 682, những người luyện đan Trung Quốc đã tìm ra thuốc súng. Nhưng mãi đến thế kỷ X - XI, nó mới được ứng dụng làm vũ khí dưới dạng những quả gây nổ, gây cháy. Việc sử dụng thuốc súng làm động lực đẩy vật gây sát thương chỉ bắt đầu vào thế kỷ XII - XIII dưới dạng các hoả khí hình ống làm bằng giấy bồi hoặc ống tre. Đầu tiên, người Trung Hoa (vào thế kỷ XII) nhồi thuốc súng cùng với đá, mảnh sành vỡ, mảnh gang, mảnh sắt vào ống giấy, ống tre, dùng ngòi cháy để đốt rồi ném vào đối phương. Đó là những quả lựu đạn sơ khai. Tiếp đó, vào thế kỷ XIII, những khẩu súng thô sơ bằng ống tre, giấy bồi ra đời. Đến cuối thế kỷ XIII xuất hiện loại súng ống bằng kim loại [1]. Súng bằng ống kim loại ra đời là một phát minh rất quan trọng vì nó mở ra khả năng dùng các hoả khí thay thế các loại vũ khí tầm xa dùng cơ học trước đây (cung, nỏ, máy bắn đá...).

1. Lao – 2. Cờ vuông – 3. Cờ đuôi nheo – 4. Cờ lệnh – 5. Loa – 6. Còi – 7. Giáo – 8 + 9. Mác thương Phang – 10. Trống – 11. Dùi – 12. Chiêng – 13. Dùi Chiêng – 14. Siêu dao – 15. Gươm trường – 16. Đinh ba.

Vào khoảng thời gian đó, những khẩu súng được nạp đạn vào lỗ sau của nòng xuất hiện. Để làm được việc ấy người ta dùng hộp đạn lắp kế vào đuôi nòng. Nhưng với trình độ công nghệ có hạn, việc lắp hộp đạn không chắc chắn và không bịt kín hoàn toàn được khí thuốc. Để khắc phục nhược điểm đó, việc nạp đạn từ đầu nòng lại được thực hiện cho thích hợp với kỹ thuật từ thế kỷ XV đến XVIII. Mãi đến thế kỷ XIX, nhờ kỹ thuật phát triển, phương pháp nạp đạn từ phía sau nòng mới được phục hồi và ngày càng hoàn thiện. Đồng thời, rãnh xoắn trong nòng cũng hình thành. Điều này rất quan trọng, thể hiện bước tiến mới trong kỹ thuật vũ khí. Nhờ có rãnh xoắn trong nòng, viên đạn bay ra khỏi nòng vừa tiến vừa tự quay xung quanh trục dọc của nó, tạo nên sự ổn định. Việc bắn chính xác hơn, uy lực sát thương tăng. Nòng có rãnh xoắn đã từng bước thay thế nòng trơn.

Có thể coi khẩu súng như một ''động cơ'' hai chiều. Năng lượng của khí thuốc để đẩy đạn đi và làm dật lùi khẩu súng. Con người đã biết tận dụng năng lượng (làm giật lùi khẩu súng) của khí thuốc và tích trữ vào lò xo để làm công việc nạp đạn tự động và phát hoả. Nhờ vây, tốc độ bắn (số phát bắn trong một phút) đã tăng đáng kể và người ta đã chế tạo ra những khẩu súng bắn liên thanh. Hộp đựng đạn và băng đạn cũng có những cải tiến nhằm chứa được nhiều đạn hơn.

Hoả khí ra đời từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX thì tương đối hoàn chỉnh, nó đã giành ưu thế trên chiến trường. Lúc này, đội hình hình khối những người cầm gươm, dáo... đã trở thành mục tiêu lý tưởng cho hoả khí, đặc biệt cho súng liên thanh hoặc pháo binh. Chính nhờ có pháo binh mà quân Pháp đã phá tan đội hình ô vuông của người Thụy Sỹ trên chiến trường Marignano năm 1515. Sự phát triển của hoả khí đã dần dần thay thế vũ khí lạnh. Các nhà quân sự buộc phải thay đổi đội hình tiến quân. Từ đội hình khối ô vuông chuyển thành đội hình hàng dọc. Vào thế kỷ XIX, năm 1870, cuộc chiến tranh Pháp - Phổ đã sử dụng phần lớn hoả khí, thể hiện một cuộc chiến tranh hiện đại. Tại vùng Châu Á người Trung Hoa đã đào được những nòng súng bằng đồng có niên đại 1356 - 1357. Năm 1232, người Trung Hoa dùng pháo bắn đạn tròn bằng đá, dùng trái nổ và khí tài có thuốc súng chống quân Mông Cổ xâm lược. Năm 1274 và 1281, khi đánh Nhật Bản, quân Nguyên (Mông Cổ) xưa dùng “thiết hoả pháo”, một loại máy bắn đá phóng đi những hòn đạn sắt chứa chất nổ. Ở Ấn Độ, vào thế kỷ XIII, người ta đặt những hoả pháo trên các cỗ xe, trên thuyền (tàu) khi tham chiến. Giữa thế kỷ XIV, ở các nước miền Tây Nam và Trung Âu, thuốc súng giữ vai trò lớn trong quân sự và pháo nòng trơn cũng được dùng khá phổ biến. Nói chung ''khẩu súng của Châu Âu cũng như của Châu Á vào thế kỷ XIV đều được chế tạo một cách không hoàn hảo, điều đó chứng tỏ rằng pháo binh còn đang trải qua một thời kỳ thơ ấu của mình” [2].

Ở việt Nam từ thế kỷ XIII, XIV, hoả khí đã hình thành. Đó là những quả ném bằng ống tre, giấy bồi được nhồi thuốc súng và mảnh gây sát thương vào trong, phát hoả bằng ngòi cháy chậm. Về sau, những khẩu pháo ra đời bắn những viên đạn có chứa thuốc súng như hoả cầu, hoả đồng... Năm 1390 (năm Canh Ngọ), pháo binh quân đội nhà Trần do tướng Trần Khát Chân chỉ huy đã bố trí trận địa phục kích ở bờ sông Hải Triều (nay là sông Luộc chảy qua địa phận huyện Tiên Hưng, Thái Bình) tập trung dùng pháo thuyền (pháo đặt trên thuyền) bắn mãnh liệt vào thuyền chỉ huy đối phương giết chết Chế Bồng Nga (Vua của quân xâm lược Chiêm Thành), dập tan ý đồ xâm chiếm nước Đại Việt. Năm 1407, Hồ Quý Ly đã ra lệnh cho Hồ Đồ, Hồ Xá... cùng với con trai của mình là Hồ Nguyên Trừng đúc súng Thần Công để chống quân xâm lược nhà Minh. Súng đó được gọi là “Thần cơ sang pháo”. Trong cuốn Vân đài loại ngữ, nhà Bác học Lê Quý Đôn có ghi: ''... Trong số tù binh mà quân Minh bắt được, chúng biết Hồ Nguyên Trừng [3] có tài chế súng Thần Cơ (một kiểu đại bác nòng trơn lúc bấy giờ lắp đạn từ đầu nòng và phát hoả bằng dây cháy chậm) đã thả ông ra rồi nhờ ông chế tạo loại súng lợi hại đó...”. Sử cũ còn ghi, từ thế kỷ XIII đến XVI, nhiều kiểu hoả khí đã ra đời ở Việt Nam với những tên gọi rất phong phú. Thời kỳ Hậu Lê có loại súng: súng Lửa, súng Bách Tử, súng Trên Ngựa, súng Báng Gỗ... Triều đại tiếp theo có các kiểu súng: súng xung Tiêu, súng Điểu Sang, súng Tích Sơn, súng Bắc Cơ Điểu Sang... Đạn dược có đạn đá, đạn chì, đạn gang...

Pháo Thần Công của nước Đại Việt về sau càng phát triển. Nó là một loại đại bác lợi hại thời bấy giờ với nhiều kiểu (nhiều cỡ nòng và dài ngắn khác nhau) mang tên gọi rất kêu như: pháo “Đại Tướng Quân”, ''Thần Uy Vô địch Đại Tướng Quân''... Trong quân đội đã biên chế nhưng đơn vị pháo binh gọi là “Thần Cơ doanh”. Các loại pháo nhỏ thì mang vác, loại to đặt cố định ở biên giới, cửa ải hoặc trong thành, loại vừa có thể đặt trên xe 4 bánh, đặt  trên voi, trên thuyền chiến. Công nghệ chế súng và thuốc súng cũng ngày một hoàn thiện. Năm 1858, nước Đại Việt đã làm được xe “Loại bằng thuỷ hoả kế” (dùng sức nước quay máy để giã luyện thuốc súng). Năm 1859, Tượng mục Vũ Khố Hoàng Văn Hiến đã chỉ đạo việc chế tạo súng đồng với từng đoạn rối bằng ren xoáy thành công được Vua khen thưởng. Mỗi cỗ súng, nòng có 3 - 4 đoạn nối vào nhau, đường kính nòng súng rộng 2 tấc 3 phân ( = 97,75cm), nòng dài 7 thước (297 cm) [4].

Năm 1885 - 1896, tham gia cuộc khởi nghĩa của ông Phan Đình Phùng, Cao Thắng cùng một số nghĩa quân đã chế tạo thành công súng trường (theo mẫu 1879 của Pháp). Có đến gần năm mươi phần trăm nghĩa quân Hương Khê được trang bị loại vũ khí này.

Tóm lại, so với vũ khí lạnh, hoả khí phát triển với tốc độ nhanh, từ khi nó hình thành đến tương đối hoàn chỉnh chỉ trong sáu, bảy thế kỷ (từ thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XIX). Điều đó có được là nhờ khoa học, kỹ thuật của loài người trong giai đoạn từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX có những bước tiến vượt bậc. Người ta gọi thời kỳ này là “thời đại của máy móc”. Ngày nay, con người đã chế tạo ra các loại hoả khí có tầm xa hàng ngàn km với độ chính xác cao, gọi là thời đại “vũ khí công nghệ cao”. Con người có khả năng điều khiển viên đạn theo ý muốn (nhờ các thiết bị điện tử, vi mạch...) và có thể tiêu diệt bất kỳ một mục tiêu nào cao hoặc xa hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn km.
  • TRUNG TÁ - KS. NGUYỄN HỮU NHẪN

[1] Hiện nay ở Trung Hoa còn mẫu khẩu súng ghi năm sản xuất 1356

[2] F.Engels, Tuyển tập luận văn quân sự, tập II, NXB QĐND H.1978, tr.1978

[3] Sau khi nhà Hồ thất bại, Hồ Nguyên Trừng bị quân nhà Minh bắt đem về Trung Quốc. Tại vương triều nhà Minh, Hồ Nguyên Trừng đã sáng chế ra loại pháo nói trên và được phong tước Binh bộ tả thị lang.BT.

[4] Đơn vi đo thời cổ 1 thước: 0,425m; 1 tấc: 0,0425m; 1 phân: 0,00425m…
Category: Tinh hoa võ thuật | Views: 843 | Added by: admin | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar