18:49:31
CÁC KHÁI NIỆM CƠ BẢN TRONG VÕ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
* Chuẩn võ sư Nguyễn Thái Bình (ST)
Môn phái Võ Bình Việt


Thế võ chiến đấu cổ truyền bằng đoản đao và lăn khiên

1. Võ là gì?

Võ là hệ thống chuyển động của còn người mang tính chiến đấu, được đúc kết từ sự đấu tranh và sinh tồn của loài người với thiên nhiên và vạn vật, nó được con người rèn luyện thành phản xạ tự nhiên mang đầy tính nhân văn và đạo lý (đạo là quy luật tự nhiên, lý là lý luận khoa học, nhân là con người, văn là văn hóa, hệ thống). Với ý nghĩa giúp người tập luyện tồn tại một cách hoàn hảo nhất về hình thế, tinh thần trong cuộc sống, tự nhiên ở bốn yếu tố chính là tinh, nhanh, mạnh, chuẩn.

2. Võ cổ truyền Việt Nam là gì?

Võ cổ truyền Việt Nam là hệ thống huấn luyện, chuyển động của con người mang tính chiến đấu có nguồn gốc từ xa xưa do người Việt Nam luyện tập, lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ đến ngày nay.

- Lấy động tác của võ trận, võ chiến, muông thú làm nền tảng của chuyển động.

- Lấy võ quy, võ pháp, giáo điều răn dạy các đệ tử, đệ tôn, qua nhiều thế hệ làm nền tảng của sự phát triển về đạo đức và tinh thần của người luyện võ.

- Lấy phương pháp lao động, chuyển động tinh hoa nhất của con người và muông thú, vạn vật, trong tự nhiên làm phương pháp luyện công ở các phần như tinh, khí, thần, lực đưa người luyện đạt đến mức độ hoàn hảo về hình thể lẫn tinh thần ở các mức độ Tinh -> Nhanh -> Mạnh -> Chuẩn, từ chuyển động của gân, cơ, xương, da, khí huyết, nơron thần kinh ở mức độ cao nhất dựa vào nền tảng tam hợp Ý -> Khí -> Lực.

- Lấy Y võ là các bài thuốc của dân gian kết hợp phương pháp điều trị, huyệt đạo… làm nền tảng cho việc nghiên cứu cơ thể con người, trị tạng cho người tập luyện và cứu người...

- Lấy chuyển động của các động tác cho từng đặc trưng của từng vùng miền văn hóa như (quyền, cước, điệu nhảy, bước di chuyển, thế đánh, lăn lộn…).

- Lấy kinh, sách, truyền miệng, thơ, thiệu, câu vè, khẩu khuyết, hình vẽ, để làm vật dụng, tư liệu để gìn giữ và lưu truyền.

3. Võ thuật là gì?

Là hệ thống chuyển động vừa mang tính nghệ thuật biểu diễn vừa mang tính chiến đấu nó được thể hiện qua các động tác chân tay không hoặc kết hợp binh khí, mang đậm giá trị nghiên cứu văn hóa con người với thiên nhiên, vạn vật.

Ví dụ: Võ khỉ, võ rắn, võ hổ, võ gậy, võ dao, kiếm, nhào lộn, đối luyện… có tác dụng làm tăng phản xạ, đẹp về hình thể con người trong chuyển động.


4. Võ kinh là gì?

Là môn võ được hệ thống hóa trên kinh, sách, tư liệu, có phương pháp được đúc kết mang tính khoa học, bài bản, ứng dụng để truyền, dạy trên lớp, võ đường, võ phái... Người xưa ứng dụng giảng dạy cho các quan lại, tướng lĩnh, con cái vua chúa, có thi cử cấp bậc… trong kinh thành.

5. Võ Lâm là gì?

Là hệ thống võ được người đời đúc kết truyền dạy theo các nhóm, khối, hội… trên mọi miền lãnh địa, cá nhân… (có thể không cần hệ thống, bài bản nhất định). Nó tồn tại dưới dạng miếng đánh, thế đánh…

6. Võ trận là gì?

Là hệ thống võ được thành lập trên các binh thư, chiến lược trận đồ, ứng dụng cho việc đào tạo binh lính, quân sỹ thời xưa trong việc xây dựng, giữ gìn, phát triển lãnh thổ, địa bàn của các vùng miền, đất nước (chủ yếu sử dụng là các thế đánh đơn, hoặc kết hợp dàn trận nhiều người có sự sắp xếp, bố trí thứ tự và nhiệm vụ… sử dụng người, đồ hoặc vật…

7. Võ miếu là gì?

Là nơi thờ tự tưởng nhớ đến các bậc cố nhân đã có công xây dựng duy trì, phát triền hệ thống võ học ở các thời kỳ trên địa bàn, lãnh thổ, vùng…

8. Võ khí (binh khí) là gì?

Là các vật dụng dùng để nối dài tay chân làm tăng khả năng gây sát thương đối với địch thủ ở các thế đánh, làm tăng khả năng phòng thủ cho người sử dụng nó và từng loại vật dụng, mỗi binh khí đều có ưu nhược điểm khác nhau và có hình dạng khác nhau (người sử dụng binh khí phải nắm được ưu nhược điểm, nguồn gốc xuất xứ, khả năng phù hợp với thể trạng của người luyện tập thì mới phát huy khả năng tối đa của loại binh khí đó).

Ví dụ: Người thô cứng không thích hợp với binh khí nhuyễn. Người thanh mảnh nhỏ không thích hợp với binh khí trường...


Người xưa có câu “nhân sao thì vật vậy” cũng có thể nói là cơ thể con người thế nào thì nên chọn hình thức và đặc tính loại binh khí tương tự như vậy sẽ có khả năng dễ dàng phát huy được đỉnh cao của loại khí giới đó được.

9. Võ công là gì?

Là hệ thống võ được rèn luyện trên nền tảng căn bản của năm thứ trên con người là: Tinh -> Thần -> Ý -> Khí -> Lực, kết hợp với các phương pháp rèn luyện riêng của từng võ phái nhằm giúp con người đạt đến mức tối đa của các yếu tố “tinh, nhanh, mạnh, chuẩn” về các chuyển động lẫn hình thể, tinh thần, sức chịu đựng, công phá của cơ thể người tập. Nó mang ý nghĩa cao sâu nhất về cả thời gian lẫn kiến thức của người luyện võ.

10. Võ đạo là gì?

Là thước đo, hệ quy chuẩn căn bản về đạo đức của người luyện tập, giảng dạy và truyền bá võ học. Nó mang rõ ý nghĩa giáo huấn, hướng thiện cho người luyện võ đến giá trị cao đẹp nhất về văn hóa của võ học loài người.

11. Nền tảng căn bản của một Võ phái là gì?

Một võ phái phải có đủ các yếu tố sau làm nền tảng:

- Phải có lịch sử, xuất xứ phát triển và hình thành của võ phái.

- Phải có hệ thống võ thuật quyền cước ,binh khí, đấu luyện... làm đặc trưng cho chuyển động.

- Phải có hệ thống võ công, khẩu khuyết làm cơ sơ lý luận cho chiều sâu về chuyên môn võ học của võ phái.

- Phải có hệ thống võ quy, võ pháp, giáo điều làm nền tảng đạo đức.

+ Trong đó võ quy là nhưng quy định chỉ rõ sự tuân thủ truyền thống đạo đức con người, hướng người tập đến giá trị cao đẹp của tính nhân văn trong võ học ở tám chữ “Uống nước nhớ nguồn và Tôn sư trọng đạo”.

+ Võ pháp là chỉ rõ tôn chỉ, mục đích phát triển hệ thống quản lý kiến thức võ học cũng như người tập luyện của một võ phái đồng thời cũng nêu rõ được ý thức, trách nhiệm quyền hạn từng cá nhân, tổ chức trong và ngoài võ phái.

- Phải có hệ thống kiến thức y võ nhằm giúp người tập hiểu sâu hơn về cơ thể và những biến đổi trên cơ thể người đã và đang tập như hệ gân cơ, sương, khớp, da, huyệt đạo, nội tạng, khí huyết, thần kinh, thân nhiệt trên cơ thể người tập… giúp người tập đúng với khoa học và cơ địa của mình.

- Phải có hệ thống tư liệu, kinh thư, truyền nhân… làm nền tảng để gìn giữ lưu truyền và phát triển.

- Phải có sự phân cấp, đẳng cấp cho người tập luyện.

12.Thế nào là một Đệ tử của một võ phái?

Phải là một võ sinh được chính người thầy (truyền dạy) cho các kỹ thuật đặc trưng của võ phái cũng như về lý luận, y học, quy chuẩn đạo đức, tôn chỉ mục đích của võ phái Đệ (thứ), Tử (con). Đệ tử được ví như người con của một gia đình cũng như một dòng phái. Vì vậy, việc rèn giũa về chuyên môn của võ phái còn phải ý thức được trách nhiệm cũng như trọng trách về việc giữ gìn phát triển bổn phái.

13. Thế nào là một võ sinh, môn đồ, học trò?

Là một người đang trong quá trình rèn luyện và chịu sự thử thách của võ phái.

14. Thế nào là một huấn luyện viên võ thuật?

Là người đã và đang đứng giảng dạy võ và có đủ các tố chất sau:

- Phải có thời gian đã trãi qua sự thử thách, rèn luyện về các vấn đề kỹ thuật, chuyên môn cũng như nền tảng võ học của võ phái.

- Phải có đẳng cấp theo quy định trong một võ phái.

- Phải có khả năng cũng như kỹ năng sư phạm các vấn đề liên quan đến chuyên môn.

15. Người học võ cần phải có những yếu tố cơ bản gì?

Như lời thầy tôi dạy 2 câu so sánh: "Dãy núi có chiếc lông - Võ công có Đức độ". Đức chỉ sự giác ngộ về tinh thần đạo đức của người luyện võ. Độ chỉ sự giác ngộ, mức độ thẩm thấu về (trình độ), mức độ chuyên môn, khả năng cảm nhận chín muồi của võ học…

- Tinh thần và xác định được ý nghĩa cũng như mục đính của việc luyện tập môn võ.

- Siêng năng tập luyện hàng ngày đến khi đạt được kết quả mới hy vọng chiêm ngưỡng được đỉnh cao của võ học.

- Phải luyện tập đúng phương pháp (có thầy hoặc người chỉ dẫn).

- Phải kiên nhẫn có thời gian thẩm thấu thành quả qua quá trình luyện tập.

- Muốn lên đỉnh cao võ học, luyện võ ắt phải luyện công luôn trau dồi “đức độ”, kiên nhẫn theo thời gian, năm tháng cuộc đời mà thành. Lúc đó tinh thần mới thanh thản, đức độ mới thấm sâu.

Chú ý: Ý nghĩa của từ Kung Fu mà rất nhiều người nói đến trong võ học Thiếu Lâm nói riêng và trong các võ phái nói chung có nghĩa là sự chăm chỉ luyện tập.


16. Học võ để làm gì?

Thời cổ đại, khi bộ môn võ bắt đầu xuất hiện trước chữ viết thì có có tác dụng đấu tranh để sinh tồn (tồn tại giữa con người với thiên nhiên hoang dã, con người với con người từ chân tay không, sau đó hình thành khí giới như lao, gậy, rìu, cung tên, nỏ, tiêu…).

Thời trung đại và cận đại, võ học dùng để chiến đấu và bảo vệ lãnh thổ, tổ quốc, tự vệ bản thân, sinh tồn giữa người với người… góp phần rất lớn vào việc huấn luyện binh sĩ, thao trường quân sự, thống lãnh, bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc.

* Thời hiện đại, học võ để làm?

Là con người có ích cho gia đình, xã hội chúng ta phải ý thức được ý nghĩa như sau: Với hai câu nói bất hủ của ông cha ta để lại: “Khỏe để học tập xây dựng phát triển và bảo vệ tổ quốc khi có giặc ngoại xâm” hay câu nói “Một người học võ thì cường Thân, một gia đình học võ thì cường Tộc, một xã hội học võ thì cường Quốc”.

So sánh các bộ môn võ khác Võ học có đặc điểm ngoài rèn luyện sức khỏe khơi dậy tiềm năng sẵn có của con người nó còn chứa đựng một bản lĩnh, một tinh thần sẵn sàng chiến đấu khi có thử thách và vượt qua mọi chông gai của xã hội loài người và thời gian... nó đem lại cho người tập “một tinh thần Thép”. Một sự tự tin trong mọi môi trường tồn tại. Người đạt trình độ võ học càng cao thì họ càng có khả năng chịu đựng... đức độ của họ càng cao, cũng như khả năng cảm nhận mọi sự vật hiện tượng của thiên nhiên và vạn vật. Người tập có khả năng đấu tranh và bảo vệ, ý thức được tầm quan trọng của Đạo lý trong mọi con người, ngoài khả năng bảo vệ bản thân, người tập có khả năng bảo vệ cho những người xung quanh họ bởi kẻ xấu và sự suy đồi đạo lý trong xã hội loài người hiện nay. Nếu một con người có tiền, có quyền lực có kiến thức nhưng thiếu sức khỏe không có khả năng bảo vệ chính bản thân mình trong xã hội loài người và tình huống thiên nhiên vạn vật đem đến thì sao?

17. Người luyện tập binh khí cần có những yếu tố căn bản gi?

Binh khí có tác dụng nối dài tay, chân làm tăng khả năng công phá, hủy diệt của con người. Nhìn vào tính năng tác dụng của binh khí ta có thể nhận biết các yếu tố căn bản sau:

- Người tập phải có một bộ tay thật hoàn hảo trong chuyển động từ ngón tay, khớp cổ tay, cùi chỏ, bả vai… đặc biệt là cổ tay phải linh hoặc dẻo dai.

- Tâm pháp phải đặt vào binh khí mà mình tập luyện người luyện võ, có câu nói bất hủ là “phải yêu binh khí như yêu quý chính bản thân mình” có như vậy mới mong khi dùng thì cả người và binh khí mới hợp nhất và phát huy đến mức tối đa tác dụng của nó được. Có thể nói là mỗi binh khí đều có thần và cái thần đó là do người luyện binh khí đó tạo lên.

- Một số loại binh khí lạnh còn có độ sát thương cao do vậy người tập mà không kiên trì, không đủ tâm pháp và nội lực sẽ không khống chế và sử dụng được nó mà trái lại còn bị tác dụng ngược lại về hậu quả. Ví dụ hàm ý câu nói “chơi dao sắc có ngày đứt tay” cho nên những nhà phong thủy hay kiêng kỵ việc treo, cất các loại binh khí này tại nhưng nơi công cộng…

- Phải hiểu được nguồn gốc xuất xứ, quá trình phát triển, tiến hóa của binh khí qua các thời kỳ lịch sử cùng với con người.

- Phải nắm vững được ưu khuyết điểm của loại binh khí mình đang tập mà phát triển nó.

- Phải biết kết hợp việc luyện binh khí với thân thủ của chính người tập binh khí đó.

- Phải nắm được các phương pháp luyện công phu tối ưu về binh khí đó, người ta gọi là “tuyệt kỹ”.

18. Nội công là gi?

Luyện nội công là việc luyện các tri giác trên cơ thể con người đạt đến mức độ hoàn hảo ở các cấp độ công phá, sức chịu đựng đặc biệt đưa con người đến ngưỡng “tinh, nhanh, mạnh, chuẩn” và dẻo dai kết hợp ba yếu tố cơ bản là “ý, khí, lực”.

Như vậy, nội công là phương pháp rèn luyện võ đưa con người đạt đến cảnh giới về sự hoàn hảo cả về mặt công phá lẫn sức chịu đựng của cơ thể con người, lấy các động tác chuyển động tinh hoa làm nền tảng của chuyển động kết hợp ba bộ phận “ý, khí, lực” làm thay đổi các chuyển động của nội tạng, các hệ gân, cơ, xương, khớp để tạo ra một nội lực lớn nhất bên trong cơ thể người tập cũng như trong phản xạ của các nơron thần kinh. Tác dụng của nội công giúp người tập có một lực khỏe tối đa và ứng dụng vào các chiêu thức võ làm cho các chiêu thức võ đó đạt đến mức độ đỉnh cao nhất trong ứng dụng võ học.

19. Khí công là gì?

Là phương pháp luyện tập, điều chỉnh khí huyết, hơi thở ở các cấp độ khác nhau làm lưu thông huyết mạch thay sự chuyển động của các cơ quan nội tạng trong cơ thể người tập... lấy phương pháp điều tâm, điều tức, điều khí, điều thần làm nền tảng giúp người tập đạt đến cảnh giới cao nhất của con người là Tâm, Khí , Thần, Lực và tăng sức đề kháng cũng như sức chịu đựng của cơ thể người tập một cách tốt nhất.

20. Nền tảng cơ bản của võ cần những yếu tố gì?

Võ thuật vốn lấy bốn yếu tố cơ bản là “công, thủ, phản, biến” làm nền tảng. Nên người tập võ dù tập quyền cước hay tập binh khí thì đều phải tập và thực hiện tốt các chiêu thức (động tác liên quan với 4 yếu tố trên) như đấm, đá, gạt, né, tránh, lăn, lộn, chộp, móc, xỉa, đâm… được thực hiện ở các phần căn bản công hoặc trong khi tập bài quyền, binh khí…

21. Về chiều sâu của võ học cần yếu tố gì?

Con người thường lấy nền tảng của một võ phái võ làm thước đo cho chiều sâu võ học, cho nên nó phải có đủ các yếu tố sau:

- Phần võ thuật: Phải thực hiện được đủ, đúng và tốt các chiêu thức từ quyền cước lẫn binh khí sao cho o mức độ hoàn hảo nhất.

- Phần nội công: Luyện tập sao cho cơ thể có một sức chịu đựng, bền bỉ tốt nhất đối với yêu cầu của võ học và sự thẩm thấu, cảm nhận tốt nhất về các tri giác trên cơ thể về sự vật, hiện tượng cũng như có thể đạt sức mạnh công phá tối đa của cơ thể mình.

- Phần võ đạo: Đưa cơ thể mình hòa nhập được với thiên nhiên, vũ trụ với con người và vạn vật. Có một sự thẩm thấu về tính nhân đạo, tính nhân văn, lòng cao thượng, từ bi đức độ của con người… làm cho mình được khai tâm mở tính trước đạo đời, sống có ý nghĩa với người xung quanh, có sự phát triển cho bản thân.

- Phần y võ: Phải lắm được kiến thức và quy luật vận hành của các bộ phận trên cơ thể con người, có kiến thức về y học trong phòng và trị bệnh cho người tập và những người xung quanh, cứu giúp người nếu có điều kiện.

22. Thế nào là vận công?

Là phương pháp kết hợp được 4 phần cơ bản (thần, ý, khí, lực) trên cơ thể người để thực hiện một động tác hay một chuyển động sao cho hoàn hảo nhất đạt tác dụng tối đa có thể là nhu hoặc cương kình tạo sức chịuđựng hay sức công phá vật cản…

* Ý KIẾN MỞ RỘNG:

Sau đây, tôi xin liệt kê một số ý kiến của những người đã và đang luyện tập võ:

- Có người cảm thấy yếu ớt mong muốn luyện tập võ cho khỏe mạnh.

- Có người luyện tập võ chỉ hy vọng cả đời mình đạt được một kungfu gì đó trong môn võ.

Ví dụ: Chặt gạch, chặt ngói, thi triển bài quyền cước, công phu thượng thừa như nhất chỉ thiền, thiết bố sam, thiết cước công…


- Có người hy vọng học tập võ để tự bảo vệ mình khi có tình huống xấu xảy ra với mình.

- Có người muốn tập vì yêu thích một loại quyền hay binh khí nào đó trong võ học.

- Có người học võ để “công lý và báo thù”.

- Có người học võ muốn chiến thắng chính bản thân minh trong lúc luyện tập.

- Có người tập võ vì thích bộ trang phục, hay mày cờ sắc áo của một môn võ nào đó.

- Có người muốn học võ để khỏe bảo vệ được túi tiền của minh khi thấy nguy hiểm rình rập.

- Có người thích vì muốn mình giống một nhân vật võ thuật điện ảnh nào đó.

- Có người muốn tập võ để có thể chữa được bệnh nan y.

- Có người thích tập vì nhìn thấy một chuyển động nào đó trong võ học mà người ta thấy thán phục.

Tóm lại mỗi người đều có một lý do khác nhau nhưng những lý do phổ biến ở trên không đủ để con người cảm nhận được độ thâm sâu của Võ học cổ truyền nói riêng và các võ phái nói chung. Chúng ta quay lại vài câu nói của bậc thánh hiền, cao nhân. Khỏe để học tập, làm việc xây dụng và bảo vệ tổ quốc. Một người học võ => cường thân. Một gia đình học võ => cường tộc. Một xã hội học võ => cường Quốc.

Vậy ý nghĩa của cha ông dăn dạy là: Ngoài ý nghĩa về sức khỏe cá nhân nó còn mang giá trị xây dựng, bảo vệ cả một gia đình giòng họ, một xã hội cũng như một đất nước. Tiếp một câu nói mà thầy tôi lấy trong kinh sử võ học ra răn dạy tôi và các anh em trong võ phái: “Dãy núi với chiếc lông”, “võ công với đức độ” để ám chỉ so sánh sự nặng nhẹ giữa 2 bên “dãy núi với một chiếc lông, cũng như so sánh võ công khi luyện thành với đức độ” thì võ công chỉ như chiếc lông so với dãy núi mà thôi, mà võ công gần như là một công phu mơ ước cả đời của người luyện võ. Như vậy, ta cảm nhận mới thấy sự thâm sâu của Đức độ trong võ học như thế nào đối với con người.

Quay trở lại với một khẩu khuyết trong võ với chữ của thầy “cần nhanh không cần vội”, “cần khéo không cần dẻo” rồi thầy phân tích cái ranh giới của hai cái “nhanh” và “vội” mà con người luyện võ phải cảm nhận được quả là bến bờ của sự thâm sâu trong ngôn ngữ võ học.

- Thế nào là nhanh? Khi ra chiêu.

- Thế nào là vôi? Khi ra chiêu.

Có lẽ nếu không có đủ năm tháng sẽ không có đủ độ thẩm thấu để phân tích và cảm nhận được.

Rồi từ võ học trong động tác “cần đủ không cần thừa, không cần thiếu” rồi khi nghe thầy phân tích chiêu số khi đúng và đủ có tác dụng như thế nào đối với người luyện võ trong tấn công và phòng thủ... Nhớ lại, 10 năm trước khi một người thầy của tôi đã dạy tôi hãy để ý một người đang tập võ chỉ cần nhìn người ta ra một đòn hay đánh một bài quyền sẽ nhìn thấy được tính tình và cuộc đời người đó sẽ như thế nào. Trong văn học có câu “nét chữ thì suy ra nết người” rèn chữ tức là rèn người, võ học có câu “rèn đức, rèn tâm, rèn nhân cách sống…

* KẾT LUẬN

Sau khi trải qua quá trình, rèn luyện học tập, nghiên cứu và có duyên được chỉ dạy, tôi cảm nhận được: Học võ để mang lại giá trị sống cho bản thân. Chính vì thế, mỗi người hãy tập võ với ý nghĩa cao cả sau:

- Rèn chí, rèn tâm, rèn nhân cách sống.

- Làm cho con người hoàn hảo về tinh thần lẫn thể xác qua từng giai đoạn luyện tập.

- Bảo vệ bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

- Giữ gìn, phát triển tinh hoa của cha ông để lại cho muôn đời sau.

- Truyền bá tư tưởng đạo võ mong muốn cho muôn người tập luyện trở thành người có “đức độ’’ hoàn hảo.

- Khám phá, phát triển tiềm năng bí ẩn trên mỗi cơ thể người tập.

- Giảm bớt xung đột tạo mối quan hệ rộng hơn trong xã hội.

- Rèn luyện sức khỏe để đẩy lùi bệnh tật, tệ nạn xã hội, kéo dài tuổi thọ và phục vụ cho cuộc sống nhân loại.

- Phát triển văn hóa thể thao, nghệ thuật trong võ học tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc trên toàn thế giới, đem lại sức khỏe cho mọi người.
Bến Tre, ngày 09 tháng 04 năm 2017
MÔN PHÁI VÕ BÌNH VIỆT
TRƯỞNG PHÁI VIÊN

(sưu tầm)

Chuẩn võ sư Nguyễn Thái Bình
Category: Tinh hoa võ thuật | Views: 940 | Added by: admin | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar