16:35:54
BIÊN KHẢO: VỀ MIỀN ĐẤT VÕ
Tác giả: Hồ Bửu
Biên tập: Chuẩn võ sư Nguyễn Thái Bình



Chuẩn võ sư Nguyễn Thái Bình trong thế Lão hổ vồ mồi

1. Ðôi dòng lịch sử và địa dư:

Ca dao Việt Nam có câu:
Ai về Bình Ðịnh mà coi,
Con gái bình Ðịnh bo roi, đi quyền.

 
Hay:
Ai về Bình Ðịnh quê tôi,
Trước xem hát bộ, nhì coi đi quyền.

Cứ mỗi lần nói đến miền đất võ thì những câu ca dao trên chợt đến trong trí và một niềm xúc cảm dâng tràn...

Bình Ðịnh là đâu mà phụ nữ cũng có thể đi quyền và đánh roi? Mời người Bình Ðịnh và nhất là người chưa biết Bình Ðịnh cùng về thăm một tỉnh miền trung với những áng văn thơ trác tuyệt và một vùng võ thuật kiêu hùng.

Bình Ðịnh là một tỉnh ngày xưa tương đối trù phú, có diện tích chừng chín ngàn cây số vuông, thuộc miền trung Việt Nam, nằm dọc theo quốc lộ số 1; bắc giáp Quảng Ngãi, nam giáp Phú Yên, Phú Bổn, phía tây là vùng cao nguyên Kontum, Pleiku và mặt đông nhìn ra biển Nam Hải thuộc Thái Bình Dương.

Dãy Trường Sơn chạy từ Bắc vào Nam, đến miền Trung với nhiều rặng núi nhỏ đâm ngang ra biển. Trong đó Bình Ðịnh là một vùng núi non trùng điệp, địa thế hiểm trở, những rặng núi con của Trường Sơn thoai thoải về phía đông tạo địa thế Bình Ðịnh như một chiếc ngai vàng, tựa lưng vào núi, xoay mặt ra đầm Thị Nại. Theo truyền thuyết và phong thủy đây là vùng địa linh nhân kiệt. Thực hư chưa rõ đúng hay sai, nhưng sự thật vùng đất này đã sản sinh nhiều vị anh hùng hào kiệt như Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ. . . và nhất là Tây Sơn Tam Kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, trong đó Hồ Thơm - Nguyễn Huệ tức Quang Trung Hoàng Ðế, một đại anh hùng dân tộc, người đã chỉ huy toàn quân dân Việt đánh tan hơn hai mươi vạn quân Thanh, đập tan mộng xâm lăng của đại cường quốc Mãn Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789.

Nguyên đất Bình Ðịnh xưa thuộc bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Năm 137 một thổ dân là Khu Liên chiếm đất này và tự xưng là Lâm Ấp Vương.

Năm 982, vua Chiêm là Xá Lợi Ðà bị vua Lê Ðại Hành đánh bại ở Quảng Nam, chạy vào tiến chiếm đất này lập kinh đô Ðồ Bàn. Năm 1470, vua Lê Thánh Tôn đánh bại quân Chiêm, chiếm thành Ðồ Bàn đổi thành phủ Hoài Nhơn. Trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn đổi Hoài Nhơn thành Quy Nhơn (1605). Ðến chúa Nguyễn Phúc Tấn đổi thành Quy Ninh (1651), nhưng sang chúa Nguyễn Phúc Khoát lấy lại tên Quy Nhơn (1741).

Năm 1771, ba vị anh hùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ khởi nghĩa đánh chúa Nguyễn, năm năm sau (1776) Nguyễn Nhạc xưng vương, lấy Quy Nhơn làm kinh đô, sửa sang thành Ðồ Bàn làm Hoàng Ðế thành.

Sau khi vua Quang Trung băng hà, lực lượng nhà Tây Sơn càng ngày càng yếu, trong khi đó, Nguyễn Ánh lại được người Pháp giúp đỡ. Năm 1801, Nguyễn Ánh đánh chiếm phủ Quy Nhơn và đổi tên thành phủ Bình Ðịnh. Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu Gia Long, chỉnh đốn việc cai trị, đổi phủ Bình Ðịnh thành trấn Bình Ðịnh (1810).

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) nhà vua theo lối tổ chức của Thanh triều bên Trung Hoa, đổi trấn thành tỉnh, Bình Ðịnh trấn thành Bình Ðịnh tỉnh từ đấy (Xem bản đồ tỉnh Bình Ðịnh).

Chúng ta hãy lắng nghe người học trò đa tình Bình Ðịnh ra Huế thi và rủ rê cô gái đất thần kinh:

Mải vui Hương thủy Ngự Bình
Ai vô Bình Ðịnh với mình thì vô.
Chẳng lịch bằng kinh đô
Bình Ðịnh không đồng khô cỏ cháy
Năm dòng sông chảy,
Sáu dãy non cao
Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh.

 
Những câu thơ của người học trò tự thuở xa xưa đã mô tả một vùng đất Bình Ðịnh hữu tình với những dòng sông, những dãy núi cao, tháp Chàm cổ, khiến chúng ta liên tưởng đến Hầm Hô, Ðồ Bàn, đầm Thị Nại. . . Ðầm này rất rộng do bán đảo Phương Mai bao bọc bên ngoài với hai cửa Cát Thử và Quy Nhơn. Từ xưa, thế kỷ 17 đã là cửa ngõ giao thương với các tỉnh trong nước cũng như nước ngoài và còn là một vị trí chiến lược, chiến thuật hiểm yếu. Bình Ðịnh là một tỉnh có đầy đủ nông lâm thủy sản . Ðặc sản có yến sào Quy Nhơn, trầm hương Bình Khê, nón ngựa Gò Găng, bột đậu xanh, bún Song thằng An Thái, nước mắm Gò Bồi, xoài tượng Phù Cát cùng nước dừa Bồng Sơn, Tam Quan ngọt ngào, tươi mát.
Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong.
Muốn ăn nhút, thì về quê với bố.
Muốn ăn quít, ăn hồng,
Theo cha mày mà về ngoài đó, (Thanh Nghệ)
Muốn uống nước dừa, ăn xoài chín đỏ,
Muốn ăn bánh tét, bánh tổ,
Thì theo tao, ở mãi trong này. (là Bình Ðịnh)
Xuân Diệu

Người Bình Ðịnh là người xứ “Nẫu”. Trong giao tiếp hằng ngày, những chữ có âm “ôi” hay phát âm thành “âu” vì vậy mà có một câu trêu ghẹo “ Trời tấu, tới nhà ông xã Ðậu, bị té sưng cái đầu gấu” (có nghĩa là: Trời tối, tới nhà ông xã Đội, bị té sưng cái đầu gối).

Người Bình Ðịnh vốn dĩ chất phác, hay rụt rè, từ tốn, đôn hậu và rất hiếu khách, như vậy tại sao lại thích võ nghệ? Có phải chăng trong nội tâm người Bình Ðịnh có chút gì ray rứt, không ổn, ngay cả phụ nữ cũng tay côn tay kiếm? Vấn đề này chúng ta sẽ tìm hiểu sau.

Thế còn võ học Tây Sơn là võ gì? Tính chất và căn bản trên triết thuyết gì, kỹ thuật ra làm sao?

2. Tính chất võ Tây Sơn:

Khi nói đến võ Tây Sơn Bình Ðịnh, chúng ta thường có cảm nhận đó là một bộ môn võ quen thuộc, thân thương và có đôi chút tự hào về những đóng góp của môn võ cổ truyền này trong công cuộc giữ gìn đất nước của tổ tiên. Thương thì thương, yêu thì yêu vậy, nhưng sự thật trong chúng ta sự hiểu biết về kỹ thuật chiến đấu và triết lý sống theo tinh thần võ đạo này thì có phần khiêm tốn.

Chúng ta có cảm giác thân thương với võ Tây Sơn vì những câu chuyện về các nhân vật nhân trí dũng đã một mẩu thời sống trong làng, trong tỉnh, những vị từng tu luyện võ Tây Sơn, đã trở thành những anh hùng dân tộc làm rạng danh giống nòi. Mặt khác, chúng ta cảm thấy mơ hồ vì ngày nay bộ môn này như đã thất truyền, hiếm hoi, nhiều ngộ nhận. Muốn tìm tòi nghiên cứu cũng không kiếm đâu ra tài liệu. Thỉnh thoảng bắt được một vài bài trên báo chí thì chỉ là những chuyện vụn vặt, kiếm hiệp hóa, không thực tiễn. Ngày nay, với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, chiến tranh giữa các nước, không còn dùng đến võ thuật như là một phương pháp quyết định thắng bại, nên bộ môn này đối với người bình thường, không còn được quý trọng nữa.

Ðể bổ túc những hiểu biết tiêu cực và hạn hẹp về võ Tây Sơn, chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu thận trọng hơn và từ đó sẽ hài lòng về những cảm nghĩ thân thương, trân quí đã dành cho môn võ dân tộc này. Võ Tây Sơn vừa có tính chất bình dân lại vừa có tính chất bác học.

a) Tính chất bình dân:

Ngày xưa võ Tây Sơn rất phổ thông trong dân gian. Nhà nhà luyện võ, không nhiều thì ít trong gia đình, bà con thân thuộc cũng có người biết võ, luyện võ. Từ một anh nông phu chân lấm tay bùn, hay một thiếu nữ lam lũ, đến một chàng Nho sinh, một cụ già, võ vừa là môn thể dục cường thân mẫn trí, một nghệ thuật sống, vừa là kỹ thuật giữ làng giữ nước. Khác với các môn phái võ thuật Trung quốc như Thiếu Lâm, Võ Ðương. . . có tổ chức có chưởng môn, có một vùng quản hạt, một hệ thống truyền bá. Võ Việt cổ truyền, võ Tây Sơn Bình Ðịnh lại hoàn toàn ngược lại. Trong thôn, làng, xã đâu đâu cũng có thầy dạy võ, người biết nhiều, kẻ biết ít, cha dạy con, vợ học chồng. Như vậy võ được truyền thụ trực tiếp từ những người thân trong gia đình, họ hàng bà con cũng như những lời ca điệu hát dân gian đã đi vào tâm thức người Việt từ khi còn ấu thơ.

b. Tính chất bác học:

Suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, nước ta đã có rất nhiều vị anh hùng liệt nữ văn tài võ lược thế mà không ai viết sách võ thuật lưu truyền hậu thế? Hay đã có người làm công việc này mà những võ kinh ấy đã bị ngoại xâm thâu lượm cất giữ hay chiến tranh thiêu hủy chăng?

Võ Tây Sơn không có tổ chức chặt chẽ lại không có sách lưu truyền, vậy có thể bị mai một chăng? Có lẽ vì đất nước ta bị bao lần xâm lăng nghiệt ngã nên cách phân tán truyền thụ ra khắp dân gian đã giúp cho sự sống còn của võ Việt. Bên cạnh đó, võ Tây Sơn còn có “Thiệu”. Thiệu là thơ của võ học Việt Nam, được viết bằng nhiều thể loại khác nhau, đây là tất cả bí kíp võ công chỉ dẫn những chiêu thức võ thuật và tư tưởng để huấn luyện cũng như hun đúc chí khí cho người luyện võ. Ai là tác giả những bài thiệu này chúng tôi vẫn chưa tra cứu được, nhưng tất nhiên là của tổ tiên chúng ta để lại. Và chắc chắn rằng những vị này ngoài việc am tường võ học còn phải có văn tài và kiến thức sâu rộng. Trái với ca dao, tục ngữ, dễ đọc dễ hiểu, thiệu võ Tây Sơn lại dùng nhiều từ Hán Việt, điển tích và chuyên chở triết lý Việt Nho (Có thể bài thiệu viết trước thời kỳ chữ Nôm thịnh hành, cũng có thể từ Hán Việt trang trọng và tiềm ẩn nhiều ý nghĩa).

Ca dao:
Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo bên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà. . .

Thiệu võ:
Ngọc trản ngân đài,
Tả hữu tấn khai
Hồi thập tự
Luyện diệp liên ba, tả sát túc...
(Bài Ngọc Trản)

3. Võ đạo Việt Nam hay là triết lý trong võ học Tây Sơn:

Việt Nam có câu:
Văn quan cầm bút an thiên hạ
Võ tướng đề đao định thái bình.

Muốn đất nước được thái bình thịnh trị, triều đình phải có một quốc sách đối nội nhân hòa và đối ngoại khôn khéo. Quốc sách ấy phải nâng cao trình độ dân trí, mưu cầu phúc lợi cho dân, khai khẩn đất hoang, cấp phát ruộng đất cho dân nghèo, tu chính luật pháp nghiêm minh v.v… Ấy là do văn tài của các văn quan. Bằng không, chẳng sớm thì muộn, dân sẽ nổi dậy đòi miếng cơm manh áo thành nội loạn, rồi ngoại bang thừa cơ hội mang quân sang xâm lăng tiến chiếm đất đai. Ðất nước lầm than vì ngoại bang giày xéo, giết người cướp của, bức bách người già, sát hại tuổi trẻ, trưng thu tài nguyên, nhân lực, vơ quét học thuật mang về mẫu quốc. . . Lòng yêu nước sôi sục, những bậc anh hùng liệt nữ, những võ tướng kiêu hùng xông pha nơi chiến trận, dẹp yên nội loạn, đánh đuổi ngoại xâm, đem lại thanh bình cho muôn dân.

Võ cũng như văn, đều dạy con người sống cho phải đạo, mọi việc hành xử phải thuận lòng người, hợp với lẽ biến dịch của tạo hóa, theo tam giáo đồng nguyên và đạo thờ cúng ông bà. Ðó là Khổng giáo chỉ cho chúng ta sự tương quan giữa người với người trong xã hội. Lão giáo trình bày liên hệ con người với vũ trụ. Phật giáo tìm hiểu về bản ngã, ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu. Ba tính chất khác biệt của ba hệ tư tưởng lại bổ sung cho nhau đem lại cái nhu cầu chung cho con người thành tam giáo đồng nguyên. Ðạo thờ ông bà - bắt nguồn từ đạo Phật, nhưng ở người Việt nó vô cùng quan trọng - là sự nhớ ơn và cảm thông của thế hệ sau đối với tổ tiên trên sự nghiệp xây nhà dựng nước, đây là chiều dài lịch sử nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai, nó dung hợp với tam giáo thành nền móng tư tưởng Việt Nam. Hệ tư tưởng này dàn trải trong các bài thiệu của võ học Tây Sơn thành võ đạo Việt.

Thiệu võ Tây Sơn chia làm hai phần: Hình nhi thượng (Vũ trụ quan) và hình nhi hạ (Nhân sinh quan - không chỉ thuần nhân sinh quan của Nho giáo). Cả vũ trụ và nhân sinh quan trong thiệu võ không trình bày rõ ràng như Kinh Dịch hay các kinh sách của tam giáo Phật, Lão, Nho mà là những điều đại cương chính yếu về lẻ bất biến và biến dịch của võ học, yếu lý căn bản của người luyện võ và tương quan giữa con ngươì với trời đất, với gia đình làng thôn và tổ quốc.

a) Vũ trụ quan:

Toàn bộ năm bài côn Âm - Dương của võ thuật Tây Sơn thuộc về hình nhi thượng. Kỹ thuật của bộ côn này có thể xuất hiện từ xa xưa trước hay sau thời nhà Ðinh hay Tiền Lê, nhưng chắc hẳn là có tu sửa và viết thành thiệu và xuất hiện cuối đời nhà Trần, hoặc Lê sơ. Vì nhà Lý và những triều đại đầu nhà Trần là thời kỳ cực thịnh của Phật giáo Việt Nam, trong khi dó những bài thiệu này lại mô phỏng theo vũ trụ quan của Nho giáo. Ngoài cái tên của mỗi bài là một con số của Dịch học, nội dung và số câu trong bài thiệu còn giữ đúng ý nghĩa biểu tượng đó. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu các bài côn ấy liên quan thế nào đến Dịch lý.
 
Bài côn TỨ MÔN
Khai môn tấn bộ
Thối lộ tung hoành
Tả hữu chiến tranh
Qui hồi thủ thế.

 
Tứ môn là bốn cửa, hoặc Đông , Tây, Nam, Bắc, là bốn phương hướng, là tứ tượng trong Kinh Dịch: Thái âm, Thiếu âm, Thái dương, Thiếu dương. Bài này có bộ vị đồ (bước chân di chuyển của bài côn) theo hình chữ thập, côn pháp đánh ra bốn hướng và thiệu chi có bốn câu.
 
Bài côn THẤT BỘ
Hoành đả tả biên
Hoành đả hữu biên
Thừa thiên chi giáng
Tự đa tỳ bà
Khuynh thân lưỡng bộ
Phạt mộc lưỡng diện
Thượng đả hạ thích.

Theo Dịch học, tam tài thiên địa nhân đồng nhất ba ngôi. Vạch dài liền ( ) tượng trưng cho dương, vạch ngắn đứt đoạn (---) tượng trưng cho âm. Vì tam tài các vạch dài, vạch đứt chồng lên nhau ba lần, ta có bảy cách sắp xếp, tạo thành bảy số gọi là thất tiến pháp.

Số học thông dụng ngày nay là thập phân (decimal) 1 đến 10. Trong ngành điện toán còn dùng đến bát phân: 1 đến 8 (octal), số thập lục 1 đến 16 (hexadecimal) và số nhị phân 0 - 1 (binary). Hai số nhị phân này chính là hai quẻ âm dương căn bản Dịch lý. Số bảy là một số kỳ bí và khá thông dụng cả Âu lẫn Á: Dương lịch mỗi tuần có bảy ngày, người Việt cúng thất tuần cho người chết; theo Phật học, khi đức Thích Ca đản sanh, ngài bước bảy bước, mỗi bước nỏ một đóa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói: “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn”.

Bài côn Tứ Môn là bài khai tâm, bài Thất Bộ là bài căn bản cũng giống như bảy số căn bản do hai quẻ âm dương hợp lại mà thành. Về hình thức, bài Thất Bộ lại đúng vỏn vẹn bảy câu.

Bài côn BÁT QUÁI
Nhất phân đông tây
Tả hữu bát
Nhị cản diện tiền
Tam thích liên liên
Hồi cự chiến
Trực kiến thủ thân
Tam phân lập bộ
Phục lộ xích phê.

Về hình thức bài Bát Quái giữ đúng tám câu. Về võ thuật bài côn này đánh ra tám phương hướng khác nhau là Đông, Tây, Nam, Bắc và bố phương bàn, tức Đông Bắc, Tây Bắc Và Đông Nam, Tây Nam. Quẻ số tám (8) trong Kinh Dịch là do quẻ số hai (2) trong thất tiến pháp lật ngược lên mà thành, nên Dịch có tám quẻ đơn, tám nhân tám thành sáu mươi bốn quẻ trùng (8 x 8 = 64).

Theo Tiên thiên bát quái tương truyền do Phục Hy sắp thì càn đối với khôn, ly đối với khảm. Theo Thuyết Quái truyện, chương III thì “Thiên địa định vị, sơn trạch thông khí, lôi phong tương bạc, thủy hỏa bất tương xạ, bát quái tương thác” (Trời và đất định vị trí rồi, cái khí lực của núi và đầm thông với nhau, nước và lửa chẳng diệt nhau, tám quẻ cùng giao với nhau). Tám quẻ bát quái là:
 
Càn vi thiên là trời, có tính cương mạnh là đàn ông.
Khôn vi địa là đất, có tính nhu thuận la đàn bà.
Ly vi hỏa là lửa, ánh sáng.
Khảm vi thủy là nước, hiểm trở.
Tốn vi phong là gió, vào.
Chấn vi lôi là sấm, động.
Ðoài vi trạch là đầm, vui vẻ.
Cấn vi sơn là núi, an tĩnh.

Bát quái tượng trưng cho trời đất, cho sự sinh sôi nẩy nở cùng sự hoà hài và trọn vẹn.
 
Bài côn NGŨ HÀNH
Nhất đoạt thuyền khai khẩu
Nhì phá tẩu giang sơn
Tam xuất tài, tứ xuất lực
Ngũ trực hành qui
Phụ tử tương tùy.

Cũng như ba bài trước, về hình thức Ngũ Hành có năm câu, dễ cho môn sinh nhớ bài và tên bài cũng như các con số quan trọng của dich học là 1, 2, 4,7,8,5. Các số 2, 4, 8 là số âm, các số 1, 5, 7 là số dương.

Ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa và thổ. Ngũ hành sinh ra từ tứ tượng. Năm tính chất căn bản ở trong không gian tác dụng sinh sinh khắc khắc tạo thành vũ trụ. Ngụ hành hiên diện cả ba giới tam tài tức Thiên, Ðịa và Nhân. Vũ trụ có Kim tinh, Mộc tinh, Thủy tinh, Hỏa tinh và Thổ tinh. Quả đất có Kim, Mộc, Thủy , Hỏa, Thổ. Ở vào nhân sự tức Ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. (Có một số học giả không đồng quan điểm ngũ hành phát xuất từ lưỡng nghi, tứ tượng).

Về võ học, côn Ngũ Hành thuộc về cao cấp. Côn pháp lúc uyển chuyển mềm mại như rắn trườn mình, lúc ào ạt, cuồn cuộn như thác đổ, lúc lại nhanh nhẹn như khỉ chuyền cành. Khi nhanh thì bừng bừng như lửa bốc, khi chậm thì vững chắc như núi giữa trời.
 
Bài côn ÂM DƯƠNG
Thủ chấp đoản côn +
Khuynh thân ký túc –
Hành thân bái tổ +
Lập bộ thần đồng –
Tả hữu tấn công + -
Giá thiên đả diện + -
Ðông tây tiếp túc + -
Hoành đả long xà + -
Thối bộ liên ba +
Phụng đầu tam cấp –
Tả phân nhị bộ +
Hữu phân nhị bộ. –

Xét về hình thức, bài côn Âm Dương không phải chỉ có hai câu đúng theo nghĩa đen của tên bài. Tuy nhiên xem cho kỹ, từng cặp hai câu đi với nhau và chính trong mỗi câu ta cũng nhận ra, luôn luôn có hai hướng, hai đối tượng đối nhau như các câu 5,6,7, 8. Nếu dùng dấu cộng + (dương) và dấu trừ - (âm) đánh dấu vào cuối câu ta sẽ thấy âm dương rất quân bình. Riêng câu 11 “Tả phân nhị bộ” tức có Thái âm (âm lớn) và Thiếu dương (dương nhỏ) và câu 12 “Hữu phân nhị bộ” , tức có Thái dương (dương lớn) và Thiếu âm (Âm nhỏ). Như vậy từ bài côn này chúng ta có thể hình dung và vẽ ra được từ Thái cực sinh Lưỡng nghi, lưỡng nghi âm dương sinh tứ tượng.

Kỹ thuật côn Âm Dương là cương nhu hòa hợp, một cứng một mềm tương xứng trong mỗi thế đánh đỡ. Âm dương hòa hợp khác âm cộng với dương. Nghĩa là không phải bài này gồm có những thế mạnh và những thế yếu mà là mỗi thế phát ra phải gồm có âm kình vững chắc lẫn dương kình hùng mạnh.

Qua năm bài côn Âm Dương của võ Tây Sơn, chúng ta nhận ra được chính là quan niệm về sự tạo thành vũ trụ trong Kinh Dịch. Ðó là: Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi âm dương sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật. Tứ tượng còn sinh ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ.

Thiệu võ Tây Sơn hàm chứa những ẩn số của Kinh Dịch, như vậy tổ tiên muốn để lại thông điệp gì cho hậu bối tu tập võ Tây Sơn?

Thông điệp của võ đạo gồm có hai phần. Phần một là đạo làm người, đạo trị quốc. Trong Kinh Dịch ngoài phần vũ trụ quan còn có phần nhân sinh quan. “...Chú ý để hướng dẫn những bạn trẻ muốn tìm hiểu triết lý trong Kinh Dịch, tức vũ trụ quan, nhất là nhân sinh quan, cách xử thế trong Kinh Dịch mà tôi gọi là Ðạo Dịch, đạo của bậc chính nhân quân tử thời xưa” (Nguyễn Hiến Lê, sách tham khảo).

Phần hai là võ thuật: Phải biết dùng nhu chế cương, dĩ lực trị lực. Trong thế thủ có thể công (Thái Âm có Thiếu Dương), trong thế công có thế thủ (Thái Dương có Thiếu Âm), nhanh mà không hấp tấp, mạnh mà uyển chuyển nhịp nhàng và còn phải biết dựa theo ngũ hành tương sinh tương khắc mà phát huy chiêu thức liên đòn.

Võ Tây Sơn không phải chỉ có năm bài thiệu côn Âm Dương mà còn rất nhiều những bài khác như Tiên Pháp (phép đánh trung bình tiên, roi dài) có các bài Thái Sơn, Tấn Nhất, Trực Chi, Ngũ Môn, Thần Ðồng, bài nào cũng có thiệu. Tất cả những bài thiệu này điều hướng dẫn về võ thuật và chiến thuật cho người làm tướng. Ngoài ra trong quyền thuật còn có Thần Ðồng, Thiền Sư, Tiên Ông, Quan Âm, Nhất Long, Ðại Thánh, Ngọc Trản, Lão Mai. . . đều có thiệu. Những bài thiệu này viết gi?
b) Nhân sinh quan và đạo thờ cúng tổ tiên.

Mặc dù trong Kinh Dịch đã viết về nhân sinh quan, đạo sống của người quân tử, nhưng thông thường ai học tập võ nghệ cũng bằt đầu từ khi còn nhỏ khó có khả năng đọc và hiểu thấu những triết lý sâu xa uyên bác ấy! Không phải lo ngại, vì tên của các bài quyền, tên của chiêu thức, của các bài binh khí và thiệu của những bài ấy cũng chuyên chở rất nhiều và khá đầy đủ võ đạo Tây Sơn. Mỗi khi truyền thụ cho môn sinh một bài mới là dịp để sư phụ giảng giải luôn võ đạo để rèn luyện và hun đúc chí khí môn sinh ngay từ thuở ban đầu. Vì giới hạn của một bài nghiên cứu ngắn, chúng tôi không thể trình bày hết các thiệu ấy, chỉ dẫn chứng những câu cần thiết liên quan đến nhân sinh quan và đạo thờ cúng tổ tiên. Ða số các câu thơ đầu và câu cuối của bài thiệu, ngoài võ thuật còn tiềm ẩn võ đạo.

* Xin đưa ra vài chứng minh:

1. Bài THIỀN SƯ:


Thiền sư là một trong tam bảo Phật, pháp, tăng, là nguời tu hành, am hiểu lời Phật dạy, đi truyền bá đạo Phật, cứu người giúp đời, là một tấm gương tốt cho võ sinh học tập đức tính từ bi hỉ xả. Thế nhưng câu đầu của bài này là: “Lược địa đồ thành”, quan sát bản đồ thành trì, nghiên cứu họa đồ của một cái thành thì chỉ có văn quan, võ tướng hay vua chúa mới làm việc này vì nó liên quan đến sự sống còn của một chế độ, sự trường tồn của dân tộc. Thiền Sư có câu “Hạ địa tầm châu”, ngồi xuống đất để tìm ngọc quí, viên ngọc đắt tiền lẫn lộn trong đất cát, nghĩa là khuyên người võ sinh dù ai kia là một người xấu, họ cũng có được vài đức tính tốt, ta hãy giúp họ phát triển và bồi dưỡng cái hay ấy.

2. Bài ÐẠI THÁNH:

Đại Thánh tức là Tề Thiên Ðại Thánh trong truyện Tây Du Ký, nguyên là một con hầu nhi do khí thiên trời đất từ khối đá nứt ra ở Hoa Qủa sơn. Câu mở đầu “Ðại Thánh loạn thiên cung, tả hữu tứ biên công” và câu kết là “Ðồng tử bái Quan Âm”. Con khỉ con này không cha mẹ, không gia đình, bản tính nóng nảy, nhưng cũng chịu khó tầm thầy học đạo. Từ đó Tôn Ngộ Không có được bảy mươi hai phép thần thông biến hóa nhưng tính tình nóng nảy vẫn không thay đổi, nên đã lên trời đánh phá thiên đình, bị Phật Tổ nhốt dưới núi Ngũ Hành. Sau nhờ Phật Quan Âm cho theo Ðường Huyền Trang sang Tây trúc thỉnh kinh. Khi sứ mạng hoàn thành, Ðại Thánh đắc đạo với danh Vạn Thắng Phật. Ngộ Không chính là cái hỏa tâm nóng nảy của con người. Khi tâm đã định, thì lục dục thất tình sẽ không còn quấy ta nữa, tức là minh tâm, kiến tánh. Cái khó của con người không phải là việc tranh hơn kém với kẻ khác mà chính là khắc phục được chính bản thân của ta, mà đã thắng được cái ta ám muội thì thắng tất cả.

3. Bài NGỌC TRẢN:

Ngọc Trản có câu mở đầu “Ngọc trản ngân đài, tả hữu tấn khai”. Ngọc trản (chén ngọc, chén nhỏ uống rượu hay trà), ngân đài (đĩa bạc có chân dùng để đặt trái cây cúng). Nhà của người Việt, hầu hết đều có một bàn thờ thờ tổ tiên ông bà. Trên bàn thờ ấy phía trước là cặp chân đèn cày, chính giữa là một cái lư hương. Kế đến phía trong, và trước bài vị là lục bình cắm hoa, một đĩa bằng bạc có chân, người Bình Ðịnh gọi là cổ bồng, đặt trái cây, và bộ tách trà hay một nậm rượu với những chén ngọc nhỏ nhắn xinh xinh. Gia đình giàu có thì chén ngọc đũa ngà, cổ bồng bằng bạc; còn nhà nghèo khó, họ cũng cố gắng lựa một bộ chén và cái dĩa đựng trái cây đẹp nhất, mà với họ qúi như ngọc như ngà, để cúng kiến ông bà.

Chén ngọc và dĩa bạc là hai vật thể làm sao có thể khai mở tiến ra bên trái bên phải? À thì ra câu thiệu này ngụ ý nói tổ tiên đã bỏ công sức, mồ hôi nước mắt và cả xương máu đề xây đắp ngôi nhà và đất nước Việt Nam. Ðánh bên trái để ngăn chặn xâm lăng phương Bắc, tiến bên phải để mở mang bờ cõi phương Nam. Vậy điều đầu tiên của người học võ là phải biết tri ân các bậc tiền nhân và phải noi gương dấn thân bảo vệ non sông để tổ quốc này mãi mãi trường tồn.

3. Bài LÃO MAI:

Lão Mai với câu mở đầu “Lão mai độc thọ nhất chi vinh” và câu kết “Vân tôn tam tảo hổ xà thành”. Cũng như Ngọc Trản, Lão Mai đề cao các gương anh dũng chống ngoại xâm, bảo vệ quốc gia dân tộc. Hình ảnh cây mai già có một cành tươi của câu mở rất gần với “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” trong bài Cáo Tật Thị Chúng của Thiền sư Mãn Giác. Ðã là người thì chẳng ai tránh khỏi sinh lão bệnh tử, nhưng khi sống là phải sống thế nào để khi chết lưu danh hậu thế, mãi mãi được muôn dân tôn thờ. Ðến ngày giỗ chạp nơi thờ phượng được tam tảo, quét dọn ba nơi: Vườn tược sạch sẽ, đền điện sơn phết, lau chùi và bàn thờ được lau sạch bụi bặm, nhang đèn sáng choang. Phải sống thế nào để lưu danh hậu thế là mấu chốt của ba tiếng “hổ xà thành”. Người học tập võ nghệ, luyện võ đến hổ xà thành nghĩa là đã đạt đến tối cao của võ thuật. Hổ xà, một cương một nhu, một cứng một mềm hòa hợp uyển chuyển trong khi chiến đấu, áp dụng trong đời sống , trong đạo trị quốc, đối nội lẫn đối ngoại. Làm được như vậy là đã đến bậc thượng thừa của võ học.

Tóm lại thờ cúng ông bà tổ tiên của Việt Nam không phải chi đơn thuần là sự nhớ ơn sinh thành dưỡng dục mà còn là một động lực thúc đẩy nhắc nhở con cháu hãy cẩn thận trông chừng giặc phương Bắc lúc nào cũng lăm le xâm chiếm nước ta.

Ðến đây chúng tôi xin trở lại vấn đề: Tại sao người Bình Ðịnh thích học tập võ thuật, ngay cả giới quần thoa cũng tập luyện nhuần nhuyễn quyền côn kiếm?

- Thế kỷ 15, sau khi hạ thành Ðồ Bàn, vua Lê Thánh Tông đã đổi thành Phủ Hoài Nhơn trực thuộc triều đình Thăng Long. Từ đó, các nhóm di dân (tình nguyện và bị bắt buộc) cũng như các quan lại vào vùng địa đầu Việt Chàm để sinh sống họ là người ngoài Bắc và ở các vùng Thanh Nghệ (Có truyền thống văn học, chính trị và đấu tranh không ngừng nghỉ).

- Rời bỏ chính trường ở Thăng Long tất nhiên muốn có ngày trở lại huy hoàng hơn, không phải chỉ thích luyện võ mà còn rất hiếu học, con đường duy nhất tươi sáng cho tương lai con cháu là học, không văn thì võ, có vậy mới đủ khả năng trở lại Thăng Long.

- Người Bình Ðịnh vốn dĩ hiếu hòa, rất “thàng”. “Thàng là chữ riêng của người Bình Ðịnh và cũng là chữ riêng để mô tả người Bình Ðịnh. Thàng, cũng nói là thàng hậu; thàng hậu nghĩa gần như hiền hậu, nhưng còn đi xa hơn hiền hậu nữa kia, vì nó có khả năng mô tả, hiền hậu thì không. Hiền hậu, thực thà là một đức tính, một nết hay; thàng hậu còn là một vẻ người hiển hiện ra bên ngoài, trông rõ mồn một…” (Võ Phiến, sách tham khảo).

Ngoài cái “thàng” người Bình Ðịnh lại hay lo xa:
 
Quảng Nam hay cải,
Quảng Ngãi hay co,
Bình Ðịnh hay lo,
Thừa Thiên ních hết.

Ấy cũng bởi phải di dân, rời xa nơi chôn nhau cắt rún, mảnh vườn, thửa ruộng, lũy tre, mồ mã ông bà, mất hết tất cả nên sinh ra tính lo xa. Nhà cửa ruộng vườn đã tốn bao công lao gầy dựng và cả sinh mạng này ngày mai sẽ ra sao? Các thế hệ sau con cháu sẽ làm gì?

Tuy sự mở rộng bờ cõi của đất nước chúng ta về phương nam với nhịp điệu không đồng bộ, có lúc nhanh lúc chậm khác nhau, nhưng những người di dân đến vùng đất mới đều có chung mẫu số:

Bởi dòng máu di truyền cùng những nỗi cam go, khắc khổ mà người di dân đã gánh chịu và sống nơi địa đầu giới tuyến, xa kinh thành Thăng Long. Bởi tinh thần võ đạo, nhớ ơn và noi gương tổ tiên tả hữu tấn khai, cũng như con đường duy nhất để có thể trở về kinh đô là học vấn trau dồi cả văn lẫn võ. Tiếp theo cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn là cái gương cho người Quy Nhơn mãi mãi lo lắng, trăn trở về tương lai của chính mình và tiền đồ dân tộc. Vì vậy họ dùi mài kinh sử và chuyên cần luyện tập võ nghệ, để giữ mãi giá trị tinh thần và bảo vệ gia đình, làng xã, cũng như mong một ngày đóng góp công sức giúp nhà giúp nước.

4. Những dòng võ Tây Sơn Bình Ðịnh:

Trước tiên chúng ta minh định những danh xưng võ Tây Sơn, Võ Bình Ðịnh và võ Tây Sơn Bình Ðịnh, ba cụm từ đó có ý nghĩa khác hay giống nhau.

a) Võ Tây Sơn:

Võ Tây Sơn là võ Việt bắt nguồn từ Bắc, và Thanh Nghệ có từ hàng nghìn năm trước, từ các triều đại vua Hùng lập quốc, Thánh Gióng nhổ tre làm vũ khí quét sạch giặc Ân, qua Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Ðinh Tiên Hoàng, Lý thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Hoàng Ðế Quang Trung, cho đến cuối nhà Tây Sơn (1802). Võ Tây Sơn này còn có cả kỹ thuật chiến đấu của người Banar và Rade trên cao nguyên trung phần.

b) Võ Bình Ðịnh:

Võ Bình Ðịnh là dòng võ của những di dân mới sau khi Quy Nhơn đổi thành Bình Ðịnh và do những đợt di dân mới trong đó có cả người Minh Hương cư ngụ tại tỉnh Bình Ðịnh (Quy Nhơn ngày nay vẫn còn bốn bang hội người Hoa và một ban người Minh Hương, được biết tổ tiên của họ đã dừng thuyền tại cửa Thị Nại từ thế kỹ 17 và chọn Bình Ðịnh làm quê hương mới).

c) Võ Tây Sơn Bình Ðịnh:

Võ Tây Sơn Bình Ðịnh là cách gọi chung các dòng võ Việt, Hoa và Việt Hoa giao thoa từ vài thế kỷ trước đến ngày nay.

Phải nhìn nhận một sư thật, mặc dù võ Việt cổ truyền đã tiến tới trình độ siêu việt, nhưng khi có võ thuật của người Hoa (võ Tàu) và võ của người Minh Hương (phối hợp võ Việt và Hoa như dòng máu Hoa - Việt của họ) thì võ thuật Tây Sơn Bình Ðịnh càng khởi sắc hơn, được cải đổi theo môi trường địa lý và đời sống kinh tế xã hội nhờ có sự giao tiếp, tranh đua, và tầm nhìn rộng rải hơn.

Ðã về Bình Ðịnh thăm miền đất võ thì phải đến An Thái, An Vinh và Thuận Truyền vì đó là ba cái nôi võ học vùng này từ giữa thế kỷ 18.
 
Roi Thuận Truyền, quyền An Thái
Hay
 
Trai An Thái, gái An Vinh
 
Sau khi vào lễ điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt và xem bảo tàng Quang Trung ở Kiên Mỹ, xã Bình Thành đi theo đường đất ngoằn nghèo bên tả ngạn sông Côn về hướng đông khoảng chừng năm bảy cây số thì đến làng Thuận Truyền thuộc thôn Thuận Nghĩa, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn. Thuận Truyền nổi tiếng về roi. Người đứng đầu roi Bình Ðịnh là Sư Trưởng Hồ Nhu, sinh năm 1891, nhưng người đời vẫn quen gọi là Hồ Ngạnh, đây là tên người con trai duy nhất của cụ (ở Bình Ðịnh có tục người ta hay gọi tên của con đầu thay cho tên cha). Sư trưởng học võ với song thân (Cha là ông Ðốc Năm, mẹ là Nguyễn Thị Quyến) và ngoại tổ từ lúc còn nhỏ, lớn lên lại thụ huấn với danh sư Ba Ðề và Ðội Sẻ. Về sau lại được chân truyền về côn pháp và tiên pháp của Tạo sĩ Hồ Khiêm (Tạo sĩ là Tiến sĩ võ) bà con với ông Ðốc Năm, từng là Giáo đầu của vệ cấm thành Huế, vì có liên can đến phong trào Cần Vương nên phải vào Bình Ðịnh lẫn tránh. Gần cả năm trời cư trú nhà ông Ðốc Năm, Tạo sĩ Hồ Khiêm ngày đọc sách, tối lại truyền thụ võ thuật cho cháu Hồ Nhu. Sau khi thầy từ biệt, cụ Hồ Nhu càng mải mê thao luyện những đường roi đã học, nên roi của cụ thật là xuất quỷ nhập thần, uyển chuyển mà vững chắc, tiếng tăm càng ngày càng vang xa. Hàng đệ tử gồm có: Hồ Ngạnh, Hồ Cường, Nguyễn Châu, quý võ sư này đã mất trước cả Sư Trưởng Hồ Nhu. Sư Trưởng tạ thế năm 1976, thọ 85 tuổi, mai táng tại Thuận Truyền (Hình mộ sư trưởng Hồ Nhu) trên phần mộ của cụ có ghi hai câu:
 
Môn đồ trên ân đức
Thao lược thế lưu danh.

Ðệ tử và cháu chắc của Sư Trrưởng hiện vẫn dang lưu truyền đường roi Bình Ðịnh độc đáo là Hồ Sừng, Hồ Bửu và Ðinh Văn Tuấn.
 
Tiếp tục cuộc hành trình đi thêm năm ba cây số sẽ đến thôn An Vinh, xã Bình An, cũng nằm trong quận Tây Sơn (hình thôn An Vinh). Gần cả trăm năm trước, người đứng đầu An Vinh là Sư Trưởng Nguyễn Nghĩa, không rõ năm sinh, chỉ biết ông lớn hơn Sư Trưởng Hồ Nhu độ năm ba tuổi, tục danh là võ sư Năm Nghĩa. Cụ có hai nguời con, một trai là Nguyễn Hải, mà người đời thường gọi là võ sư Hộ Hải và người con gái kế là bà Hai Cảo, cả hai đều xuất sắc về võ thuật trong những thập niên 30, 40, 50 và 60. Kế là võ sư Ðoàn Phong, chuyên về đánh rìu và thích hát bộ, chính ông hay đóng vai Tiết Cương cầm rìu đánh võ. Ngoài ra còn có võ sư Hương mục Ngạc, có con là võ sư Bảy Lụt và bà Tám Cảng, tương truyền ngày trước bà có tài cưỡi ngựa không cần yên cương mà có thể nhảy lên nhảy xuống dù ngựa đang phi. Rất tiếc, tất cả quý vị này đều đã từ trần. Hiện nay chỉ còn võ sư Phan Thọ là đệ tử ruột của võ sư Bảy Lụt còn dạy võ tại An Vinh.
 
Trai An Thái gái An Vinh

Trong ba làng An Thái, An Vinh và Thuận Truyền thì An Thái tương đối nhiều nhà giàu có hơn, vì ngoài nghề nông, An Thái là một tiểu trấn, là nơi có nhiều giao dịch, buôn bán như trầu nguồn, măng le, thuốc Bắc, trầm hương. . . nhờ vậy mà trai An Thái vừa giỏi võ lại vừa hào hoa; gái An Vinh vì các cô này vừa sắc sảo mặn mà vừa một thân võ nghệ cao cường như các bà Hai Cảo và Tám Cảng.

Từ đây băng ngang sông Côn bằng chiếc cầu tre không đến nỗi lắt lẻo, gập ghềnh nhưng chỉ đủ cho một chiếc xe gắn máy chạy (Ngày xưa đi đò ngang) thì thuộc địa phận làng An Thái, xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn (Hình chiếc cầu tre bắc ngang sông Côn); làng này nằm giữa hữu ngạn sông Côn và quốc lộ 19. Quốc lộ 19 chạy song song với sông Côn, bên hữu ngạn. (Hình khu chợ cũ và khu chợ mới An Thái).

Người đứng đầu của võ thuật An Thái thời bấy giờ là Sư Trưởng Diệp Trường Phát, tự Thoại Chi, tục danh là Tàu Sáu, ông là người Minh Hương, sinh năm 1896 tại làng An Thái, quận An Nhơn, thất lộc ngày mồng 3 tháng Giêng năm Nhâm Dần (1962), thọ 76 tuổi. Năm 13 tuổi cụ được song thân cho qua Phúc Kiến, Trung Hoa học tập cả văn lẫn võ. Sau 10 năm cụ luyện được Long, Hổ quyền với võ sư Nam phái Thiếu Lâm và sang Hồng Kông thụ huấn thêm với danh sư Hồng Hà Diệp về Hầu và Xà quyền rồi trở về nước. Vốn là người yêu võ thuật, cụ lại nghiên cứu, rút tỉa thêm những tinh hoa võ thuật nơi chôn nhau cắt rún và bắt đầu truyền bá cho người thân và bà con trong làng. Bấy giờ cụ Tàu Sáu 28 tuổi, Võ phái An Thái xuất hiện với nhiều đệ tử nổi danh Ba Phùng, Chín Kỳ, Phó Tuần Chẩn, Diệp Bảo Sơn, Diệp Bảo Sanh... Lúc bấy giờ có nhiều vị võ sư đến thử tài như Năm Nghĩa, Ðoàn Phong; người Hoa có Ông Beo, Khách Nhét đều công nhận cụ là người có chân tài võ thuật. Sư Trưởng Hồ Nhu, tục danh Hồ Ngạnh và đệ tử Hồ Cường cũng đến An Thái trao đổi võ thuật với cụ Diệp Trường Phát trong một đêm trăng. Sau trận thư hùng, ngưỡng mộ tài nghệ lẫn nhau cả hai cụ đọc mỗi người một câu tặng nhau. Cụ Tàu Sáu đọc: “Côn Thuận Truyền duy hữu chủ”. Cụ Hồ Ngạnh đáp: “Vũ An Thái ngã vô song”. Ngoài những môn đồ về võ thuật, cụ Thoại Chi còn đào tạo năm vị lương y xuất sắc cả tài lẫn đức như: Bồ Lang, Diệp Bảo Sơn, Diệp Bảo Sanh, Trịnh Thế Anh và Huỳnh Quốc Hưng. Người địa phương còn truyền lại hai câu thơ:
 
Trường Phát tôn sư, danh võ thuật
Thúc Mậu Lâm gia, thị văn chương.

An Thái còn có một vị giỏi cả thập bát ban võ nghệ là võ sư họ Tạ, tục danh Tám Kỉa nhưng cụ chỉ truyền thụ cho bà con trong họ, nếu không phải là người của giới võ lâm thì không biết, cụ mất năm 1982.

Phía người Hoa kiệt xuất võ thuật đồng thời có Ông Beo xuất sắc về hổ trảo công, có học trò là Thuần, sau cũng là một võ sư và võ sư Khách Nhét biệt tài về đao và kiếm. Cả hai vị này ở Ðồng Phó, tức vùng dưới chân đèo An Khê, cách Phú Phong chừng năm cây số.

5. Tinh thần thượng võ:

Bình Ðịnh là tỉnh có nhiều lễ hội, ở đây chúng tôi chỉ trình bày các lễ hội có liên quan đến tinh thần thượng võ của một tỉnh có nền văn hóa đa dạng này mà thôi.

a) Lễ hội chùa Bà Hỏa:

Chùa Bà Hỏa được xây dựng từ năm 1819, do lửa tự nhiên bốc cháy từ dưới lẫm của đình làng, sau tu sửa thành chùa thờ Phật và thờ bà Hỏa. Dân làng cúng Phật và vía bà hỏa hằng năm vào ngày rằm tháng bảy Âm lịch, trước là lễ báo hiếu tứ ân phụ mẫu kế là tin rằng nhờ đó tránh được hỏa hoạn xảy ra mỗi năm.

b) Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu:

Chùa Bà Thiên Hậu đã có hơn 160 năm ở An Thái, sau chùa Bà Hỏa năm mười năm. Cứ bốn năm có lễ hội một lần. Chùa thờ Nữ Oa, Cửu Thiên Huyền Nữ, và Thánh Mẫu họ Ðỗ: “Thủy đức thấu thiên, mẫu nghi sư đậu”.

Tiếp theo nghi lễ là múa lân, tối lại còn có hát bộ hay bài chòi, ngoài ra cả hai chùa này đều có tục “Ðổ giàn”. Những thực phẩm như xôi chè, bánh kẹo, trái cây và tiền xu được phân phối trước cho dân nghèo và trẻ con trong làng, chỉ còn lại lá phướn và con heo quay. Các lò võ trong tỉnh đua nhau tranh hai vật này. Võ phái nào lấy được lá phướn còn bay phất phơ trên ngọn cây tre cao chót vót coi như giải nhất trong kỳ đó và con heo quay vàng óng trên giàn tre cao cả ba mét là giải nhì. Trong khi tranh đua như vậy các võ sĩ có quyền dùng cả quyền cước và roi, nhưng không được cố ý giết người. Ðể có thể thắng cuộc, các lò võ cũng chia môn sinh thành ba đội: Tiên phong, Trung phong và Hậu tập. Sau hồi chiêng trống rập rền, các toán Tiên phong đều xông vào trận, tả xung hữu đột mở đường cho Trung phong tiến lên, người nhanh nhẹn leo lên cây phướn cuốn vội lá phướn dấu vào trong áo, trong khi đó người khác phóng đến ôm con heo quay. Có khi đã lấy được lá phướn mà không thể xuống đất vì bao nhiêu võ phái khác công hãm ráo riết, nên đồng môn của anh phải bưng cả cây phướn thẳng đứng đưa đến gần cây cổ thụ hoặc gần nóc nhà nào đó cho người giật phướn nhảy xuống mà khỏi bị đám đông đoạt mất, trong khi Hậu tập phải ngăn chặn mọi áp lực phía sau xông đến. Ðây là một trò chơi hào hứng sôi nổi nhất và cũng nguy hiểm nhất của ngày hội.

c) Lễ Hội Tây Sơn:

Lễ Hội Tây Sơn (ngày xưa có tên là Lễ Ðống Ða) được tổ chức vào ngày mồng Năm tháng Giêng Âm lịch mỗi năm tại điện Tây Sơn, Kiên Mỹ, xã Nghi Bình, huyện Tây Sơn, để tưởng nhớ công đức của Tây Sơn Tam Kiệt, các tướng lãnh và nghĩa quân Tây Sơn và kỷ niệm chiến thắng Hà Hồi, Ngọc Hồi và Ðống Ða năm 1789. Ngoài nghi lễ truyền thống còn có những sinh hoạt văn hóa dân gian như đấu võ, đi quyền, đánh côn, biểu diễn võ nhạc, và diễn tập đánh trận giả với voi, ngựa, chiêng trống làm sống lại không khí hào hùng năm xưa.

Những vị tiền bối văn võ toàn tài, những ngôi sao rực rỡ của nền võ thuật tỉnh Bình Ðịnh thuở xưa đã dần dần tắt. Thế hệ kế tiếp đang hụt hẩn về kỹ thuật vẫn cố gắng làm sống lại những nề nếp xưa. Dù những làng võ chưa phục sinh vững mạnh, nhưng tinh thần thuợng võ và bầu nhiệt huyết sẽ giúp họ thành công ở một ngày không xa lắm.
Hồ Bửu


* Tài liệu tham khảo:
- Quách Tấn, Nước non Bình Ðịnh, Nam Cường, Sài gòn 1967
- Nguyễn Hiến Lê Kinh Dịch Văn Nghệ, California, USA 1991
- Trịnh văn Thanh, Thành Ngữ Ðiển Tích Danh Nhân Từ Ðiển, Sài gòn 1966
- Nguyễn mộng Giác, Ngựa Nản Chân Bon, Người Việt, California, USA 1984
- Nguyễn Bao, Toàn tập Xuân Diệu, Văn Học, Hà Nội.
- Trọng Hiếu, Võ Thuật Bình Ðịnh Chân Truyền, Bình Thái Ðạo, Sài gòn 1971
- Hồ Bửu, Võ Tây Sơn Bình Ðịnh, Côn Âm Dương, Tây Sơn, Virginia 1998
- Vũ Thế Bình, Non Nước Việt Nam, Tổng Cuộc Du Lịch , Hà Nội 2002
Category: Tinh hoa võ thuật | Views: 985 | Added by: admin | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar