BÀI 6: TRỤ CÂN BÌNH PHÁP - MÔN PHÁI VÕ LÂM BÌNH ĐỊNH VIỆT NAM

Giữ thăng bằng cho cơ thể của những người luyện võ thuật là một vấn đề căn bản, mặc dù biết võ nghệ nhưng cơ thể không có thăng bằng thì dễ bị địch đánh ngã hoặc khi tránh né địch mà không giữ vững thăng bằng, sẽ bị địch lợi dụng sự mất thăng bằng để tấn công, vì vậy muốn giữ thăng bằng cho cơ thể là một nhu cầu cần thiết cho người học võ – đó là cách luyện tập các bộ tấn I và II.

Thăng bằng bản thể co hai loại:

Động lực thăng bằng

Tĩnh chỉ thăng bằng

Động lực thăng bằng: là một hiện tượng của động lực học. Trái hẳn với người đứng yên một chỗ, cử động, xê dịch, chạy nhảy nhưng phải biết định hướng trọng điểm để khỏi mất thăng bằng và dĩ nhiên là phải sử dụng ít nhiều sức lực. Những định luật thăng bằng của loài người khác với loài cầm thú. Động lực thăng bằng của người không có sẵn khi mới sanh, còn loài chim, loài thú sau khi lọt lòng mẹ đã biết bay, biết nhảy, biết đi, biết chạy, cải thiện tính di truyền giúp loài chim, loài vật biết tránh những chướng ngại vật và tìm mồi ăn để sống. Còn loài người sau khi sanh ra, ít nhất một năm mới tập đi, tập chạy....

Động lực thăng bằng của loài người nẩy nở rất chậm chạp. Có lẽ sự phát triển của động lực thăng bằng của loài người luôn luôn đi đôi với sự nẩy nở của thần kinh hệ hay nói đúng hơn là lý trí. Một đứa trẻ mới sinh , trí óc chưa đầy đủ thì sự thăng bằng cung chưa được hoàn toàn toàn nảy nở. Vì vậy sự tổn hại về tinh thần có ảnh hưởng đến thể chất cũng như thể chất suy nhược có ảnh hưởng đến tinh thần. Nhìn một người say rượu thì đủ biết căn nguyên của sự mất thăng bằng là do sự mất lý trí mà ra. Như vậy muốn giám sát mọi cử động trong lúc tập luyện, cần phải có một tinh thần vững chắc. Những người sợ hải, do dự, hốt hoảng, tinh thần yếu là những người không đủ thăng bằng để thủ thế hoặc đánh bại địch thủ. Nói tóm lại, động lực thăng bằng của phương pháp tự vệ áp dụng cả khi tấn công rất mau lẹ cũng như lúc thủ thế kín đáo.

Rèn luyện tấn pháp: là một phương pháp của động lực thăng bằng từ thủ thế cũng như phản công vẫn giữ mực thước thăng bằng trước đối phương.

Tĩnh chỉ thăng bằng: là một hiện tượng của tĩnh lực học trong khi tập phương pháp tĩnh chỉ thăng bằng, ta nên tập trung tư tưởng, đừng để ngoại cảnh xâm nhập, gạt bỏ mọi suy nghĩ việc quá khứ, hiện tại và tương lai, có nghĩa là tập giữ vững thăng bằng và tập luyện các bộ tấn Bạch Hạc: Tầm Giang – Tầm Ngư – Độc Lập – Lưỡng sí. Để trau dồi cho các đường gân thớ thịt được cứng rắn, khi đứng tấn vững thì con người của ta chẳng khác nào một tĩnh vật, phần trên chịu áp lực của không khí, phần dưới chịu sự thu hút của quả đất, tâm trí không suy tư như một tu sĩ tham thiền nhập định chỉ biết lấy hơi thở nuôi dưỡng cơ thể mà thôi. Nhiều môn sinh tập đứng tấn theo phương pháp Tĩnh Chỉ Thăng Bằng, lúc đầu thấy khó khăn và mệt mỏi vì không có sức bền chịu đựng. Nhưng sau một thời gian luyện tập mới thấy kết quả hữu hiệu, ví dụ như: một người cân nặng 50kg khi bình thường ta có thể nhấc bổng lên dễ dàng, nhưng khi người đó khí trầm đan điền không cử động như một tĩnh vật ta khó mà bồng hoặc nâng lên , xô ngã nổi. Có cảm giác như người ấy nặng hàng trăm kg chứ không phải 50kg nữa.

Vì thế luyện tập Tĩnh Chỉ Thăng Bằng là một công phu và cũng là một phần căn bản quan trọng cho những người học võ thuật.



Source: http://vobinhviet.usite.pro/publ/can_b_n_vo_phap/bai_6_tr_can_binh_phap_mon_phai_vo_lam_binh_d_nh_vi_t_nam/1-1-0-26
Category: Bài võ lực pháp | Added by: admin (04/06/2016) | Author: Chưởng môn nhân Nguyễn Thái Bình E W
Views: 503 | Tags: BÀI 6: TRỤ CÂN BÌNH PHÁP - MÔN PHÁI | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar