BÀI 2: NGHI THỨC LỄ PHÁP - MÔN PHÁI VÕ LÂM BÌNH ĐỊNH VIỆT NAM

LỜI NÓI ĐẦU


 

Điều lệnh thức pháp là bài học nhập môn đầu tiên của các tân môn sinh, có tác dụng chấn chỉnh hành ngũ, tạo nề nếp tác phong kỷ luật trong công tác giảng dạy của Ban huấn luyện và tập luyện của môn sinh.

Đây là bài tập cơ bản gồm các thao tác đơn giản nhưng có tác dụng cực kỳ to lớn cho việc hình thành tư thế tác phong môn sinh sau này.

Bài tập mang tính chất đại cương cho nên nằm trong phần kỹ pháp của Môn Phái Võ Lâm Bình Định Việt Nam, tác dụng của bài là nhằm trang bị cho các tân môn sinh kiến thức võ học sơ khai của buổi ban đầu bước chân vào con đường võ nghiệp thâm sâu.

Bằng việc kiên trì tập luyện sẽ tạo cho các tân môn sinh được tác phong chuẩn mực, tính chuyên cần, biết nghi thức chào kính và lề lối trong võ thuật để hành xử đúng phép tắc con nhà võ theo quy cũ rõ ràng.

 

Bến Tre, ngày 05 tháng 04 năm 2016

MÔN PHÁI VÕ LÂM BÌNH ĐỊNH VIỆT NAM

(Đã ký)

Chưởng môn nhân Nguyễn Thái Bình


 

I. GIỚI THIỆU BÀI VÕ

1. Nguồn gốc xuất xứ

Điều lệnh thức pháp là một hình thức lễ nghi, biểu tượng văn hóa không thể thiếu của võ thuật và được xem như bài học nhập môn trước khi tập luyện các chiêu thức võ thuật của Môn Phái Võ Lâm Bình Định Việt Nam.

Bài võ này được đưa vào giảng dạy cho môn sinh mới vào học và là bài học đầu tiên thuộc phần Kỹ pháp của Giáo trình huấn luyện cấp 1 (Huyền đai vô đẳng).

2. Ý nghĩa tên gọi

Điều lệnh thức pháp có nghĩa "Phương pháp huấn luyện về điều lệnh hàng ngũ và nghi thức chào kính" trong võ thuật.

Trong đó, nghi thức chính là một phương tiện giáo dục phổ thông của môn phái. Nổi bật là ý thức tổ chức kỷ luật, tư thế, tác phong và tinh thần tập thể cho môn sinh, tạo ra vẻ đẹp mang tính nghiêm chỉnh và sự thống nhất của tổ chức trong tập luyện cũng như sinh hoạt thường nhật.

3. Công dụng tập luyện

Nhằm chấn chỉnh phong cách, nề nếp và xây dựng ý thức về tác phong đạo đức trong hàng ngũ môn sinh. Đồng thời, cũng nhằm mục đích khôi phục các nghi thức truyền thống của Môn Phái Võ Lâm Bình Định Việt Nam và để môn sinh biết hướng về cội nguồn, học tập những cái hay cái đẹp trong văn hoá võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Khi tập luyện bài võ, ngoài tác dụng như trền, còn giúp cho môn sinh điều hòa hơi thở, lưu thông máu huyết, tăng sức bền bỉ và dẻo dai trong cơ thể.

4. Đặc điểm kỹ thuật

Điều lệnh thức pháp nên được thực hiện một cách nghiêm cẩn như một nghi lễ truyền thống, không mang tính chất vội vàng, nôn nóng, cẩu thả. Hãy thực hiện các động tác với sự bình thản, kỹ lưỡng và chính xác trong từng thao tác một. Qua thời gian, tính cách ấy sẽ giúp cho môn sinh trở nên trầm tĩnh, nghị lực và kiên nhẫn hôn trong cuộc sống thường ngày đầy bôn ba, hối hả.

II. KỸ THUẬT BÀI VÕ

1. Tên thế bài võ

Toàn bài võ có 8 chiêu chính được chia thành 28 thế liên hoàn, đồng thời cũng chính là 56 thao tác tập luyện như sau:

  • Chiêu 1: Đồ nhi bái tổ

1. Lập thân bị thức
2. Kính lễ bái thức
3. Tàng công chính thức
4. Bình thân dự thức

  • Chiêu 2: Lập trụ tầm nhân

5. Tề thân phục thức
6. Nghiêm thân tịnh thức
7. Vận khí khai thức
8. Thủ thế khởi thức

  • Chiêu 3: Tướng soái cầm binh

9. Chuẩn hàng cự thức
10. Canh hàng cự thức
11. Thâu hàng cự thức
12. Ly hàng cự thức

  • Chiêu 4: Ba quân duyệt ngũ

13. Tiến hành di thức
14. Thoái hành di thức
15. Hữu hành di thức
16. Tả hành di thức

  • Chiêu 5: Thanh long quá hải

17. Thuận phương hoán thức
18. Nghịch phương hoán thức
19. Tà phương hoán thức
20. Hậu phương hoán thức

  • Chiêu 6: Bạch hổ xuyên lâm

21. Tọa bàn hạ thức
22. Điệt âm tầm thức
23. Ngọa dương tầm thức
24. Trụ cân thượng thức

  • Chiêu 7: Vũ trụ minh châu

25. La hán niệm thức
26. Quy đầu vọng thức
27. Đồng tử trang thức
28. Thư hồi bế thức

  • Chiêu 8: Hồi đầu đảnh lễ

29. Lập thân bị thức

30. Kính lễ bái thức

31. Tàng công chính thức

32. Bình thân dự thức

33. Tề thân phục thức

34. Nghiêm thân tịnh thức

35. Vận khí khai thức

36. Thủ thế khởi thức

37. Chuẩn hàng cự thức

38. Canh hàng cự thức

39. Thâu hàng cự thức

40. Ly hàng cự thức

41. Tiến hành di thức

42. Thoái hành di thức

43. Hữu hành di thức

44. Tả hành di thức

45. Thuận phương hoán thức

46. Nghịch phương hoán thức

47. Tà phương hoán thức

48. Hậu phương hoán thức

49. Tọa bàn hạ thức

50. Điệt âm tầm thức

51. Ngọa dương tầm thức

52. Trụ cân thượng thức

53. La hán niệm thức

54. Quy đầu vọng thức

55. Đồng tử trang thức

56. Thư hồi bế thức

2. Lời thiệu bài võ

Toàn bài võ được diễn giải thành 8 câu thiệu theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật (7 chữ 8 câu).

  1. Đồ nhi bái tổ kính sư môn.
  2. Lập trụ tầm nhân đức thế tôn.
  3. Tướng soái cầm binh uy hậu phủ.
  4. Ba quân duyệt ngũ trấn tiền đồn.
  5. Thanh long quá hải tru hồn kiếm.
  6. Bạch hổ xuyên lâm đoạt mệnh côn.
  7. Vũ trụ minh châu tinh nhật nguyệt.
  8. Hồi đầu đảnh lễ hoán càn khôn.

3. Ca phú bài võ

Toàn bài võ được diễn giải thành 20 câu phú nôm theo thể thơ lục bát (6/8) cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

  1. Đầu tiên xếp cánh vào hông.
  2. Vòng tay kính lễ tàng công khởi đầu.
  3. Bình thân có khó gì đâu.
  4. Tề trang tịnh thức quân hầu giới nghiêm.
  5. Hành công vận khí cung khiêm.
  6. Hai tay thủ thế như tiêm lực kình.
  7. Ba quân chuẩn duyệt tinh binh.
  8. Thu về trấn thủ yên bình thảnh thơi.
  9. Hành quân tiến đến về nơi.
  10. Sang qua mé phải rồi dời nghịch bên.
  11. Theo dòng lịch sử ngược lên.
  12. Nghiêng qua chếch lại con sên thụt đầu.
  13. Ngồi bàn úp mặt chân trâu.
  14. Xem tằm nhả kén ươm dâu lụa là.
  15. Khoanh tay ẩn ý sâu xa.
  16. Thu về vận khí tà ra nhẹ nhàng.
  17. Từ bi hỷ xả chuông vàng.
  18. Hai mươi tám thế y chang lượt đầu.
  19. Xong rồi bái tạ ơn sâu.
  20. Đêm ngày khổ luyện như câu sấm truyền.

4. Đồ hình bài võ

$IMAGE1$

Tuy là bài võ nhập môn nhưng môn sinh được tập luyện theo sự tích vuông tròn của thời Hoàng tử Lang Liêu với khẩu quyết “Viên thiên phương địa” tức là “Trời tròn đất vuông”. Do đó, môn sinh cần chú ý tới bộ loan tay tròn bao bọc toàn thân hoặc tiếp cận thẳng góc cũng như cách chập chân vẽ những vòng bộ pháp và rút chân theo lối trực diện.

Đồ hình bộ pháp của bài Điều lệnh thức pháp di chuyển theo bốn hướng là: Đông - Tây - Nam - Bắc trên một đồ hình gồm 4 điểm được ghi dấu thứ tự: A, B, C, D. Môn sinh tập luyện bài kỹ pháp này nên lưu ý khi chuyển hướng là so với hướng của vị trí ban đầu.

5. Tấn pháp bài võ

Có 1 thế tấn: Ngưu tấn.

6. Bộ pháp bài võ

Có 3 bộ pháp: Tiến bộ, Thoái bộ, Hoành bộ.

7. Thủ pháp bài võ

Có 3 thủ hình cơ bản: Quyền thủ, Luân thủ, Chưởng thủ.

8. Thân pháp bài võ

Vững vàng, không ngả nghiêng, đầu ngay, vai trầm, ngực không quá ưỡn, mông không quá nhô, tạo cơ thể ở trạng thái cân bằng nhưng không quá cứng đơ.

9. Nhãn pháp bài võ

Mắt không nên nhìn cúp xuống đất, mà ngược lại phải nhìn thẳng để biểu lộ được nhãn quang sẽ làm cho bài diễn thêm phần đặc sắc mới lột tả hết đước thần thái của bài võ.

10. Khí pháp bài võ

Hít thở điều hòa, khí tụ trầm ổn, quá trình trao đổi khí chủ yếu bằng mũi, không nên nén hơi, nín thở sẽ gây hại cho sức khỏe người.

11. Điểm dừng bài võ

Bài võ có 7 điểm dừng ở cuối mỗi câu thiệu trước và sau (thời gian dừng không quá 3 giây):

  • Bình thân dự thức
  • Thủ thế khởi thức
  • Ly hàng cự thức
  • Tả hành di thức
  • Hậu phương hoán thức
  • Trụ cân thượng thức
  • Thư hồi bế thức

12. Xếp loại bài võ

Tiêu chí thang điểm bài võ như sau:

- Phong cách (1 điểm): Trang phục (0,5 điểm) + Tác phong (0,5 điểm).

- Khuyến khích (1 điểm): Chuyên cần (0,5 điểm) + Thành tích (0,5).

- Kỹ thuật (5 điểm): Tấn pháp (0,5 điểm) + Bộ pháp (0,5 điểm) + Cước pháp (0,5 điểm) + Thủ pháp (0,5 điểm) + Thân pháp (0,5 điểm) + Nhãn pháp (0,5 điểm) + Tâm pháp (0,5 điểm) + Ý pháp (0,5 điểm) + Khí pháp (0,5 điểm) + Kình pháp (0,5 điểm).

- Lý thuyết (2 điểm): Tên thế (1 điểm) + Lời thiệu (0,5 điểm) + Ca phú (0,5 điểm).

- Tốc độ: Từ 60 giây trở lại (1 điểm) + từ 60 giây đến dưới 65 giây (0,8 điểm) + từ 65 giây đến dưới 70 giây (0,6 điểm) + từ 70 giây đến dưới 75 giây (0,4 điểm) + từ 75 giây đến dưới 80 giây (0,2 điểm). Từ 80 giây trở đi môn sinh sẽ bị loại.

Phân loại trình độ chuyên môn như sau:

- Loại Ưu: từ 9 đến 10 điểm.

- Loại Giỏi: từ 8 đến dưới 9 điểm.

- Loại Tốt: từ 7 đến dưới 8 điểm.

- Loại Khá: từ 6 đến dưới 7 điểm.

- Loại Bình: từ 5 đến dưới 6 điểm.

Môn sinh đạt điểm dưới 5 sẽ bị đứng cấp đai vì không đủ trình độ chuyên môn để được thăng cấp đai.

Tiêu chí chấm điểm phân định chất lượng kỹ thuật biểu diễn và cũng là tiêu chí xét duyệt trình độ kỹ thuật môn sinh. Các huấn luyện viên cần phải bám sát kỹ thuật để chấm điểm khách quan và đúng với năng lực cá nhân mỗi môn sinh.

III. CHIẾT GIẢI BÀI VÕ

1. Diễn giải kỹ thuật

Chiêu 1: Đồ nhi bái tổ

Thế 1. Lập thân bị thức: Đứng thẳng tại A, hai bàn chân khép chặt lại với nhau. Hai bàn tay Liễu diệp luân, so úp song song trước ngực, rồi cuộn một vòng thuận từ dưới lên trên, nắm lại thành quyền, rút về thủ ngửa ngang hai bên thắt lưng. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H1).

Thế 2. Kính lễ bái thức: Ở tại vị trí A. Tay trái xòe Liễu diệp chưởng nâng lên trước ngực trái chỉ xéo lên trời 450 ngón cái bấm vào mắt quyền phải, tay phải nắm Nhật tự quyền đặt vào giữa chưởng trái, sau đó đẩy hai tay ra trước mặt cách ngực độ 20 – 30cm. Đầu cúi 15 độ về trước. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H2).

Thế 3. Tàng công chính thức: Ở tại vị trí A. Hai tay đẩy thẳng ra trước, sau đó cuộn hai tay một vòng thuận, rồi rút quyền về thủ ngửa hai bên thắt lưng. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H3).

Thế 4. Bình thân dự thức: Ở tại tại A, chân trái bước sang B, khoảng cách hai chân rộng bằng vai, hai bàn chân song song, mũi bàn chân hướng về trước. Hai tay vòng ra đan chéo lại ở sau thắt lưng, hai bàn tay ngửa, tay trái nắm bàn tay phải, hai ngón tay cái bấm lại với nhau. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H4).

Chiêu 2: Lập trụ tầm nhân

Thế 5. Tề thân phục thức: Ở vị trí AB, chân phải kéo vào sát chân trái tại B, rồi lui về C quỳ gối chạm đất chống ức bàn chân. Chỉnh chu lại võ phục, tóc tai, đai đẳng cho ngay ngắn, tươm tất, rồi đặt hai bàn tay úp trên gối trái, bàn tay trái nằm ở trên, tay phải nằm ở dưới. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H5).

Thế 6. Nghiêm thân tịnh thức: Ở vị trí BC, chân phải nhập vào chân trái tại B rồi kéo về A, chân trái kéo theo về A sao cho hai gót bàn chân sát nhau trên một đường ngang thẳng, hai mũi bàn chân mở ra góc 45 độ như hình chữ V. Hai bàn tay áp chưởng sát vào hai bên hông. Bụng hơi thóp lại. Ngực nở căng ra. Hai bả vai giữ thăng bằng. Đầu cổ ngay giữa. Miệng ngậm khép hờ. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H6).

Thế 7. Vận khí khai thức: Ở vị trí A. Hai tay nắm quyền kéo nâng lên ngang ngực. Mũi hít sâu không khí vào ổ bụng. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H7).

Thế 8. Thủ thế khởi thức: Ở vị trí A, chân trái dậm mạnh xuống đất, chân phải lui về D, sao cho hai bàn chân song song chếch mũi bàn chân 450 về hướng phải. Tay trái nắm quyền đưa ra trước ngang tầm mũi che mặt và hông trái, tay phải nắm quyền ngang tầm cằm bảo vệ ngực và hạ bộ, sao cho cả hai tay gập khuỷu một góc khoảng 900. Vai trái nhô ra trước. Hơi nghiêng ngực. Răng cắn chặt. Đầu hơi thấp một chút. Mắt nhìn ngang vai trái hướng Đông (H8).

Chiêu 3: Tướng soái cầm binh

Thế 9. Chuẩn hàng cự thức: Ở vị trí AD, chân trái kéo về dậm tại D, đứng thẳng. Tay phải nắm quyền giơ thẳng lên, tâm quyền hướng trái. Hô to, rõ, dõng dạt “CÓ”. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H9).

Thế 10. Canh hàng cự thức: Ở vị trí D. Hai bàn tay xòe Liễu diệp chưởng, cao ngang vai, tay phải xỉa úp về trước ngực, tay trái xỉa ngang hông trái. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H10).

Thế 11. Thâu hàng cự thức: Ở vị trí D. Hai tay chống vào hông, chỏ chỉa sang hai bên. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H11).

Thế 12. Ly hàng cự thức: Ở vị trí D, chân trái bước sang C, khoảng cách hai chân rộng bằng vai, hai bàn chân song song hướng thẳng về trước. Hai bàn tay đẩy thẳng Liễu diệp chưởng sang hai bên hông cao ngang vai. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H12).

Chiêu 4: Ba quân duyệt ngũ

Thế 13. Tiến hành di thức: Ở vị trí DC, chân phải kéo vào sát chân trái tại C rồi bước lên B, chân trái bước theo dậm sát chân phải tại B. Hai tay chấp lại trước ngực, sao cho ngón cái bàn tay trái bấm ngoài ngón cái của bàn tay phải. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H13).

Thế 14. Thoái hành di thức: Ở vị trí B, chân phải lui về vị trí C, chân trái bước theo dậm sát chân phải tại C. Hai tay chấp lại trước ngực. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H14).

Thế 15. Hữu hành di thức: Ở vị trí C, chân phải bước ngang sang phải tại vị trí D, chân trái bước theo dậm sát chân phải tại D. Hai tay chấp lại trước ngực. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H15).

Thế 16. Tả hành di thức: Ở vị trí D, chân trái bước ngang sang trái tại vị trí C, chân phải bước theo dậm sát chân trái tại C. Hai tay chấp lại trước ngực. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H16).

Chiêu 5: Thanh long quá hải

Thế  17. Thuận phương hoán thức: Ở vị trí C, chân trái nhón gót chân và chân phải kiển mũi bàn chân, kết hợp lực toàn thân quay người thuận sang phải 900, trọng lượng toàn thân dồn nhiều vào chân phải, đưa chân trái dậm sát vào chân phải tại C. Hai tay chấp lại trước ngực. Mắt nhìn thẳng hướng Nam (H17).

Thế 18. Nghịch phương hoán thức: Ở vị trí C, chân phải nhón gót chân và chân trái kiển mũi bàn chân, kết hợp lực toàn thân quay người nghịch sang phải 900, trọng lượng toàn thân dồn nhiều vào chân trái, đưa chân phải dậm sát vào chân trái tại C. Hai tay chấp lại trước ngực. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H18).

Thế 19. Tà phương hoán thức: Ở vị trí C, chân phải nhón gót chân và chân trái kiển mũi bàn chân, kết hợp lực toàn thân quay người nghịch sang trái 450, trọng lượng toàn thân dồn nhiều vào chân trái, đưa chân phải dậm sát vào chân trái tại C. Hai tay chấp lại trước ngực. Mắt nhìn thẳng hướng Đông Bắc (H19).

Thế 20. Hậu phương hoán thức: Ở vị trí C, chân trái nhón gót chân và chân phải kiển mũi bàn chân, kết hợp lực toàn thân quay người thuận sang phải 2250, trọng lượng toàn thân dồn nhiều vào chân phải, đưa chân trái dậm sát vào chân phải tại C. Hai tay chấp lại trước ngực. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H20).

Chiêu 6: Bạch hổ xuyên lâm

Thế 21. Tọa bàn hạ thức: Ở vị trí C, chân phải bước chéo qua trước đầu gối chân trái tại D, ngồi xuống ở tư thế hai chân xếp bằng, hai tay cong tự nhiên, hai khuỷu tay đặt trên hai đầu gối, bàn tay phải nắm cổ tay trái. Mắt nhìn hướng Tây (H21).

Thế 22. Điệt âm tầm thức: Ở vị trí CD, hai chân duỗi thẳng ra. Lật người sang trái nằm úp xuống đất. Hai tay khoanh úp lại trước ngực, tay trái nằm trên, tay phải ở dưới. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H22).

Thế 23. Ngọa dương tầm thức: Ở vị trí CD, Lật người sang phải nằm ngửa lại. Hai tay đan lại đặt sau gáy, tay trái nằm trên, tay phải ở dưới. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H23).

Thế 24. Trụ cân thượng thức: Ở vị trí CD, chân phải bỏ về vị trí C. Hai nắm tay chống xuống đất, cổ tay thẳng, lòng bàn tay hướng vào thân người, phối hợp hai chân đẩy người đứng dậy. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H24).

Chiêu 7: Vũ trụ minh châu

Thế 25. La hán niệm thức: Ở vị trí C. Hai tay chấp chưởng lại trước ngực. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H25).

Thế 26. Quy đầu vọng thức: Ở vị trí C, hai chân đứng thẳng, đầu gối không được cong. Hai tay kéo lên đỉnh đầu vòng xuống cổ, rồi đẩy hai chưởng xuống chạm đất, sao cho hai mũi bàn tay hướng vào nhau. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H26).

Thế 27. Đồng tử trang thức: Ở tại vị trí C. Hai tay đan chéo quyền úp lại trước ngực hình chữ X, tay trái nằm trong, tay phải ở ngoài, sau đó gạt hai nắm tay xuống dưới và sang hai bên hông, hai nắm tay úp trước hai bên đùi. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H27).

Thế 28. Thư hồi bế thức: Ở tại vị trí C, chân trái bước sang D. Hai tay án chưởng úp xuống đất phía trước hạ bộ. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H28).

Chiêu 8: Hồi đầu đảnh lễ

Thế 29. Lập thân bị thức: Ở vị trí C, thực hiện như thế 1. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H29).

Thế 30. Kính lễ bái thức: Ở vị trí C, thực hiện như thế 2. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H30).

Thế 31. Tàng công chính thức: Ở vị trí C, thực hiện như thế 3. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H31).

Thế 32. Bình thân dự thức: Ở tại tại C, chân trái bước sang D, thực hiện như thế 4. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H32).

Thế 33. Tề thân phục thức: Ở vị trí CD, chân phải kéo vào sát chân trái tại D, rồi lui về A quỳ gối, thực hiện như thế 5. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H33).

Thế 34. Nghiêm thân tịnh thức: Ở vị trí DA, chân phải nhập vào chân trái tại D rồi kéo về C, chân trái kéo theo về C, thực hiện như thế 6. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H34).

Thế 35. Vận khí khai thức: Ở vị trí C, thực hiện như thế 7. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H35).

Thế 36. Thủ thế khởi thức: Ở vị trí C, chân phải lui về B, thực hiện như thế 8. Mắt nhìn ngang vai trái hướng Tây (H36).

Thế 37. Chuẩn hàng cự thức: Ở vị trí CB, chân trái kéo về tại B, thực hiện như thế 9. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H37).

Thế 38. Canh hàng cự thức: Ở vị trí B, thực hiện như thế 10. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H38).

Thế 39. Thâu hàng cự thức: Ở vị trí B, thực hiện như thế 11. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H39).

Thế 40. Ly hàng cự thức: Ở vị trí B, chân trái bước sang A, thực hiện như thế 12. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H40).

Thế 41. Tiến hành di thức: Ở vị trí BA, chân phải kéo vào sát chân trái tại A rồi bước lên D, chân trái bước theo dậm sát chân phải tại D, thực hiện như thế 13. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H41).

Thế 42. Thoái hành di thức: Ở vị trí D, chân phải lui về vị trí A, chân trái bước theo dậm sát chân phải tại A, thực hiện như thế 14. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H42).

Thế 43. Hữu hành di thức: Ở vị trí A, chân phải bước ngang sang phải tại vị trí B, chân trái bước theo dậm sát chân phải tại B, thực hiện như thế 15. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H43).

Thế 44. Tả hành di thức: Ở vị trí B, chân trái bước ngang sang trái tại vị trí A, chân phải bước theo dậm sát chân trái tại A, thực hiện như thế 16. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H44).

Thế 45. Thuận phương hoán thức: Ở vị trí A, thực hiện như thế 17. Mắt nhìn thẳng hướng Bắc (H45).

Thế 46. Nghịch phương hoán thức: Ở vị trí A, thực hiện như thế 18. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H46).

Thế 47. Tà phương hoán thức: Ở vị trí A, thực hiện như thế 19. Mắt nhìn thẳng hướng Tây Nam (H47).

Thế 48. Hậu phương hoán thức: Ở vị trí A, thực hiện như thế 20. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H48).

Thế 49. Tọa bàn hạ thức: Ở vị trí A, chân phải bước chéo qua trước đầu gối chân trái tại B, thực hiện như thế 21. Mắt nhìn hướng Đông (H49).

Thế 50. Ngọa âm tầm thức: Ở vị trí AB, thực hiện như thế 22. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H50).

Thế 51. Ngọa dương tầm thức: Ở vị trí AB, thực hiện như thế 23. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H51).

Thế 52. Trụ căn thượng thức: Ở vị trí AB, chân phải bỏ về vị trí A, thực hiện như thế 24. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H52).

Thế 53. La hán niệm thức: Ở vị trí A, thực hiện như thế 25. Mắt nhìn thẳng hướng Đông (H53).

Thế 54. Quy đầu vọng thức: Ở vị trí A, thực hiện như thế 26. Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H68).

Thế 55. Đồng tử trang thức: Ở tại vị trí A, thực hiện như thế 27Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H27).

Thế 56. Thư hồi bế thức: Ở tại vị trí A, thực hiện như thế 28Mắt nhìn thẳng hướng Tây (H28).

 

2. Minh họa kỹ thuật

...

3. Trình chiếu kỹ thuật


(Hết)

Category: Bài võ lực pháp | Added by: admin (04/06/2016) | Author: Chưởng môn nhân Nguyễn Thái Bình E W
Views: 548 | Tags: NGHI THỨC LỄ PHÁP - MÔN PHÁI VÕ LÂM | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar