BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG 2013
[ Download from this server (107.5 Kb) ]30/04/2017, 15:25:28
VÕ ĐẠO
BÌNH ĐỊNH VIỆT NAM
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
   
Số: 05/BC-VBV Bến Tre, ngày 26 tháng 01 năm 2014

BÁO CÁO TỔNG KẾT HOAT ĐỘNG VÕ ĐẠO BÌNH ĐỊNH VIỆT NAM NĂM 2013


Kính thưa:
- Tiến sĩ – Võ sư Phạm Đình Phong – P.CT LĐ VTCTVN, GĐ trung tâm UNESCO Bảo tồn, Phát triển VH-TT dân tộc Việt;
- Bà Cao Thị Tuyết Trang – PGĐ TTVH tỉnh;
- Ông Trần Văn Minh – GĐ TTVH-TT huyện Mỏ Cày Bắc;
- Ông Nguyễn Văn Bé – CT UBND xã Tân Thành Bình;
- Thưa Quý vị đại biểu, khách mời, cùng toàn thể võ sinh

Lời đầu tiên, thay mặt Võ Đạo Bình Định Việt Nam cho tôi xin gửi đến quý vị lời kính chúc sức khỏe năm mới được nhiều an khang thịnh vượng, thành công và may mắn.

Xin thay mặt, VÕ ĐẠO BÌNH ĐỊNH VIỆT NAM, tôi báo cáo hoạt động năm 2013 với những kết quả đạt được cụ thể như sau:
Chương I
NHỮNG ƯU ĐIỂM ĐẠT ĐƯỢC

I/ VỀ CƯƠNG LĨNH HOẠT ĐỘNG

Trong định hướng kế thừa và phát huy nền văn hóa dân tộc thông qua loại hình võ thuật và lý tưởng góp phần vào sự nghiệp xây dựng và giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước. Ý thức sâu sắc về cội nguồn dân tộc, ý chí phấn đấu tôi rèn phẩm chất đạo đức, sức khỏe, năng lực học tập và làm việc, định hướng sống có văn hóa và hữu ích vào thời đại mới sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi đã hình thành và phát triển hệ thống vận động võ thuật trên cơ sở chủ yếu của dòng võ gia truyền, kết hợp với các nguyên lý, nguyên tắc mang tính chỉ đạo của Võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Với tư cách là hậu duệ của dòng võ gia truyền họ Võ, Trưởng phái viên Võ Bình Việt được trao truyền môn võ gia tộc, kết hợp tính truyền thống và xu thế phát triển của thời đại, đặc biệt là nguyện vọng góp phần làm tỏa sáng văn hóa dân tộc Việt, chúng tôi hình thành Võ Đạo Bình Định Việt Nam trên nền tảng định hướng sau:
  • Về tư tưởng chỉ đạo nhấn mạnh tinh thần Võ Đạo Bình Định Việt Nam: Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam thông qua loại hình võ thuật, vận dụng nhuần nhuyễn dịch lý Đông phương và các nguyên lý, nguyên tắc trong hệ thống võ công của võ phái. Đặt văn hóa Việt Nam làm chuẩn mực giáo dục tinh thần võ sinh. Kết hợp hài hòa tính cổ truyền và tính thời đại để đảm bảo tinh thần kế thừa và phát huy nền võ thuật dân tộc. Hòa nhập các hoạt động Văn hóa xã hội nhằm mục đích giáo dục và xây dựng thế hệ trẻ tốt đẹp.
  • Về nền tảng vận động võ công của Võ Đạo Bình Định Việt Nam: Trưởng dưỡng nội khí nhân thể. Vận dụng và phát huy tối ưu năng lực vận động của hệ thống tâm thân, đảm bảo tính khoa học, tính tự nhiên trong phương pháp vận động, phục vụ đắc lực cho yêu cầu dưỡng sinh và chiến đấu.
  • Về ý thức vận dụng các nguồn nội lực chuyên môn từ xã hội vào định hướng đào tạo của Võ Đạo Bình Định Việt Nam: Chúng tôi trân trọng tiếp thu và nghiêm túc học tập các thế mạnh, đặc thù mang tính khoa học của các dòng phái cổ truyền, tạo sự tiến bộ và hoàn chỉnh, chính quy hệ thống võ công của Võ Đạo Bình Định Việt Nam.
Về phương thức đào tạo và định hướng tương lai cho võ sinh của Võ Đạo Bình Định Việt Nam: nỗ lực xây dựng mô hình làm kinh tế bằng chính chuyên môn võ thuật, lân sư rồng, bằng các hình thức lập đoàn lân sư rồng hoặc câu lạc bộ thể thao võ thuật.

II/ VỀ MẶT TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC

Tất cả các võ sinh được rèn luyện về võ đức bằng giờ học lý thuyết trên võ đường thông qua các bài học về: quy tắc, quy chế chuyên môn, lịch sử võ học, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm. Đồng thời, sát hạch võ sinh sau khóa học để kiểm tra chất lượng tiếp thu của các em.

Tất cả võ sinh đều lấy tôn chỉ: “Rèn đức – Luyện tài” làm phương châm dạy và học.

Tất cả các Hướng dẫn viên không chỉ học võ đức trên võ đường mà còn rèn luyện võ đức thông qua các mối quan hệ sinh hoạt với bạn bè, gia đình và xã hội để từ đó ngộ ra chân lý của cuộc sống. Với những tư tưởng và quan niệm đúng đắn về võ thuật như: Học võ là rèn luyện về Thể lực – Trí lực – Nhân lực để có được một khối óc sáng suốt trong một thân thể khỏe mạnh.

Tất cả các Huấn luyện viên không chỉ nói suông mà còn hành động cụ thể thông qua ngôn phong, tác phong đều tôn võ đức lên hàng đầu. Lấy võ đức làm trọng, xem võ đức là căn cơ của chân lý cuộc sống. Để có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh trong sáng đoàn kết với đồng môn thì tất cả các Huấn luyện viên nghiêm chỉnh chấp hành tốt quy tắc, quy chế của võ phái và mọi chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước.

Tập võ là để rèn luyện về Thể dục – Trí dục – Đức dục, biết nguồn gốc dân tộc, có sức khỏe giúp ích cho mình và phục vụ xã hội, tuyệt đối không dùng võ thuật để làm điều tàn ác. Võ học ngoài tác dụng rèn luyện sức khỏe, còn là một nghệ thuật chiến đấu và cao hơn nữa là võ đạo mà vấn đề then chốt nhất cho người luyện võ chỉ nằm ở sự kiên trì rèn luyện và rèn luyện đúng cách, trên một tinh thần thông suốt, biết lấy đạo mà xét tâm thì Tâm tức là đạo.

Con người tự hoàn thiện để hội nhập, vươn tới những giá trị nhân sinh, đây chẳng bao giờ là con đường bằng phẳng, mỗi cuộc hành trình là một cuộc thử thách và thành quả chỉ thuộc về những ai kiên tâm theo đuổi đến cùng. Chân lý chỉ đến với những người thật lòng tìm đạo chứ không phải để cho những kẻ tò mò, chỉ có người nào thắng được sự hoài nghi mới khám phá được chân lý thâm diệu và vô hình ảnh.

Thao trường đỗ mồ hôi, chiến trường bớt đỗ máu vì trên con đường thành công sẽ không có dấu chân của kẻ lười biếng và cũng đừng hỏi họ sẽ giúp gì cho ta mà hãy hỏi những gì ta đã làm cho họ.

III/ VỀ CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN

Tất cả các Huấn luyện viên rất tích cực giảng dạy và tự trang bị thêm kiến thức cho bản thân. Đồng thời, đổi mới phương pháp giảng dạy, cách thức đánh giá kiểm tra võ sinh và cam kết thực hiện với phương châm "Học võ là học đạo làm người - Hành võ là để giúp cho đời" đến thế hệ thanh thiếu niên, nhi đồng nhằm tôn vinh những giá trị về "Con người Việt - Văn hóa Việt - Dân tộc Việt". Có như thế thì mỗi Huấn luyện viên là tấm gương đạo đức và sáng tạo cho đàn em noi theo.

Tự giác tích cực bồi dưỡng chuyên môn để phù hợp với chương trình, phương pháp mới, sử dụng các kỹ thuật dạy học mới, tự cập nhật thông tin và nhất là để nâng cao chất lượng huấn luyện, nâng cao hiệu quả giảng dạy. Phấn đấu đạt theo tiêu chí hiện đại hóa phương pháp giảng dạy như vẫn bảo tồn bảo sắc truyền thống của dân tộc.

Xây dựng hoàn thành chương trình huấn luyện các cấp bao gồm:

1. Võ công: là các bài tập công phu bao gồm các bài tâp giúp võ sinh rèn luyện như ngoại công, ngạnh công, nhuyễn công, nhu công và thần công (hiện tại đã huấn luyện được về phần ngoại công như khởi pháp, tấn pháp, bộ pháp, thủ pháp, cước pháp…).

2. Võ pháp: là các bài võ tay không bao gồm các bài võ cổ truyền (như Ngọc trản quyền, Thiền sư quyền…) và các bài võ hình quyền (như Hùng long quyền, Thanh xà quyền, Bạch hạc quyền…). Đồng thời, các bài võ binh khí nằm trong hệ thống “Thập bát ban binh khí” của Võ cổ truyền Việt Nam bao gồm các bài võ như: Thất bộ côn, Âm dương kiếm, Bát quái siêu…

3. Võ lý: là môn võ vận dụng học thuyết Âm dương - Ngũ hành làm nền tảng, lấy nhu thắng cương, các đòn thế biến hóa khôn lường, không bó buộc cứng nhắc trong một bài quyền hay trong một đòn thế hoặc múa may hoa dạng. Võ lý được hệ thống hóa thành các bài học phân bổ theo các cấp học.

4. Võ đạo: đòi hỏi võ sinh phải luôn "Khiêm tốn - Nhân ái - Khổ luyện". Có nhân ái mới nên người và có khiêm tốn, khổ luyện mới thành tài. Tập nếp sống vị tha và cầu tiến. Sống khoẻ, sống có ích và phụng sự dân tộc. Kính tổ, trọng thầy và mến bạn đồng môn.

Với tiêu chuẩn thể thao hóa phương pháp tập luyện và hướng dẫn với tinh thần Việt Nam, người võ sinh có thể lãnh hội đầy đủ, sử dụng đòn thế chính xác và biến hoá chiêu thức hữu hiệu trong lúc giao đấu.

Giáo trình huấn luyện được giảng dạy từ dễ đến khó, từng đòn thế hổ tương nhịp nhàng, linh động, ứng biến nhanh nhẹn. Tổ chức khảo hạch và công nhận cấp đai cho võ sinh các khóa theo định kỳ 3 tháng/1 lần.

IV/ VỀ THÀNH TÍCH ĐẠT ĐƯỢC

1. Trong năm qua, tất cả các võ sinh đã đóng góp tốt đẹp cho các sinh hoạt cộng đồng như: múa lân, biểu diễn võ thuật vào dịp Hội chợ, Tết cổ truyền và những đêm văn nghệ của các ngày Lễ hội, Đại hội TDTT huyện, xã...

2. Tuyển chọn VĐV trong lực lượng võ sinh cho các bộ môn như: đẩy gậy, điền kinh, thi đấu đối kháng.

3. Tham gia các hoạt động Hội thi, hội diễn, liên hoan võ thuật, lân sư rồng đã đem về:

- 01 Giải nhất liên hoan võ thuật – lân sư rồng tỉnh Bến Tre năm 2013.

- 02 Giải khuyến khích Hội thi Lân sư rồng mở rộng tỉnh Bến Tre lần 2 năm 2013.

4. Về cá nhân và tập thể được khen tặng như sau:

- Liên đoàn VTCTVN khen tặng HLV Nguyễn Thái Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển bộ môn Võ cổ truyền Việt Nam.

- TT VH-TT huyện Mỏ Cày Bắc khen thưởng tập thể CLB Lân huyện Mỏ Cày Bắc và cá nhân ông Nguyễn Thái Bình – Chủ nhiệm CLB đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động TDTT huyện nhà.
- 20 võ sinh được Trưởng môn Võ Đạo Bình Định Việt Nam khen tặng đã có nhiều phấn đấu trong rèn luyện và học tập năm 2013.

V/ VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VÕ PHÁI:

Hiện nay, võ phái đã quy tụ hàng trăm võ sinh và xây dựng được một đội ngũ môn đồ có trình độ võ thuật và đạo đức, đồng thời trang bị hệ thống võ đường mang tính truyền thống văn hóa dân tộc Việt. Đạt được những thành tựu như hôm nay, võ phái luôn tâm nguyện sẽ là lực lượng tiên phong trong kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ sống có lý tưởng chân chính, xứng đáng với lịch sử hào hùng của Tổ tiên. Như vậy, Võ Đạo Bình Định Việt Nam có thể đảm bảo cho việc rèn luyện thể chất tốt của con người và trao dồi nhân cách sống theo "Tinh thần thượng võ".

Các võ đường liên tục tuyển sinh và tổ chức tập luyện thi đấu đều đặn với mục đích nhằm nâng cao tinh thần tập luyện, giúp nhau cùng tiến bộ, học hỏi phương pháp hay trong giảng dạy và thi đấu.

Võ phái hiện hoạt động với 04 cơ sở như: Tổ đường Võ Đạo Bình Định Việt Nam, Võ đường Bình Việt, Võ đường Bình An, Võ đường Bình Phú.

VI/ VỀ CÁC CÔNG TÁC KHÁC:

Cùng với các tổ chức đoàn thể khác tổ chức đêm trung thu cho các cháu thiếu nhi trong cơ quan và trường học.

Tham gia ủng hộ đoàn trẻ em khuyết tật, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt gặp thiên tai…
 
Chương II
NHỮNG HẠN CHẾ CHƯA LÀM ĐƯỢC VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

I/ NHỮNG HẠN CHẾ CHƯA LÀM ĐƯỢC:

- Sân tập không ổn định.

- Thiếu thốn về trang thiết bị dụng cụ tập luyện, thi đấu và biểu diễn.

- Chưa phát huy được năng lực vốn có của mình.

- Công tác chiêu sinh các khóa còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được đông đảo mọi tầng lớp quần chúng tham gia tập luyện.

- Giáo trình có sự thay đổi nên các võ sinh chưa nắm bắt kịp.

- Đoàn lân không có kinh phí hoạt động và trang thiết bị tập luyện.

II/ NGUYÊN NHÂN HẠN CHẾ

- Mặt bằng cơ sở đều thuê mướn của các cơ quan đơn vị.

- Điều kiện thời gian cũng như thiếu kinh phí hoạt động.

- Lực lượng võ sinh còn nhỏ tuổi - chủ yếu là học sinh cấp 1, 2, 3 và chỉ có số ít võ sinh trưởng thành và có công việc làm ổn định.

- Chưa được sự đầu tư, quan tâm giúp đỡ của các cơ quan chức năng chủ quản và các đoàn thể khác.

III/ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

- Có sân tập ổn định, đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện.

- Có kế hoạch và thời gian cụ thể cho công tác huấn luyện, thi đấu, biểu diễn.

- Cần sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chức năng, đoàn thể để phong trào được nâng cao.

- Chiêu sinh cần mở rộng thêm đối tượng tham gia tập luyện, có chính sách miễn giảm học phí phù hợp để tạo điều kiện tốt cho học viên tham gia.

- Giáo trình cần thống nhất, khoa học.

- Trong công tác huấn luyện cần nâng cao đươc tính khoa học – dân tộc và hữu hiệu.

- Đoàn lân cần có nhà tài trợ chính để có kinh phí hoạt động tốt hơn.
 
Chương III
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG

I/ MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC:

Mục tiêu chung là bảo tồn những giá trị tinh hoa văn hóa của Võ cổ truyền dân tộc có bề dày hàng nghìn năm lịch sử với phương châm lấy võ làm niềm vui. Võ phái luôn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, thoải mái nhất cho các thành viên trong tập luyện. Qua rèn luyện chúng ta sẽ trở nên không sợ, không ngại, không lẩn tránh mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống. Luôn đề cao khả năng thực chiến với mục tiêu quan trọng nhất là mạnh mẽ, hiệu quả cả tay không lẫn binh khí.

Các thành viên không phân biệt về trình độ, học vấn, nghề nghiệp, tuổi tác đều có thể tham gia tập luyện, cùng nhau tự tổ chức, tự ý thức để xây dựng lên một không gian tập luyện, chia sẻ và trải nghiệm võ thuật sau những ngày làm việc, giờ học tập căng thẳng mệt nhọc.

Với tinh thần là người biết bảo người chưa biết, người đến trước chỉ người đến sau, chia sẽ kỹ năng, trình độ võ học của mình để cùng phân tích và tập luyện.

Võ phái luôn mở rộng và thu nhận thêm thành viên với phương châm là "Càng đông càng vui”. Để phát triển võ phái cũng như phát huy khả năng của bản thân phụ thuộc rất lớn vào ý thức cộng đồng của mỗi thành viên.

II/ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

- Bổ sung hoàn thiện hệ thống kỹ thuật, công pháp của Võ Đạo Bình Định Việt Nam.

- Xây dựng lực lượng kế cận hội tụ đủ các đức tính Nhân - Trí - Dũng, mở rộng hệ thống các võ đường cơ sở nhằm quảng bá rộng rãi những nét tinh hoa của võ phái tới đông đảo quần chúng yêu thích võ thuật, góp phần vào sự phát triển phong trào thể dục thể thao.

- Xây dựng Đoàn lân Võ Đạo Bình Định Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp và quy cũ.

- Biên soạn tài liệu giáo khoa phục vụ cho công tác huấn luyện.

- Thành lập đội tuyển quyền thuật và lân sư rồng cho các hội thao, hội diễn và các giải tỉnh, khu vực.

- Tổ chức khảo hạch cấp đai cho võ sinh đủ trình độ chuyên môn theo quy chế.

Trên đây là một số kết quả làm được, những việc chưa làm được, nguyên nhân, một số biện pháp cũng như phương hướng hoạt của tập thể Thầy và trò Võ Đạo Bình Định Việt Nam trong năm 2013.

Một lần nữa, kính chúc quý vị được dồi dào sức khỏe, năm mới gia đạo được an khang thịnh vượng, ấm áp yêu thương. Trân trọng kính chào!
 
    Bến Tre, ngày 26 tháng 01 năm 2014
* Nơi nhận:   NGƯỜI BÁO CÁO
- TTVH-TT huyện MCB;
- Lưu VP TĐ;
- Đăng website VBV.
  (Đã ký)
  Trưởng phái viên Võ Bình Việt
Category: Kế hoạch giảng dạy | Added by: admin
Views: 656 | Downloads: 25 | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar