10:25:55
BÀI THAM KHẢO: KỸ THUẬT CĂN BẢN ĐỐI KHÁNG VÕ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

* Đại Võ sư Lê Kim Hoà & Đại Võ sư Trương Văn Bảo


$IMAGE1$

Phần 1 - VÕ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

Võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hoá, lịch sử, truyền thống của dân tộc Việt Nam; tên gọi này dùng để chỉ những hệ phái võ thuật lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam, được người Việt sáng tạo và bồi đắp qua nhiều thế hệ, hình thành nên kho tàng những đòn, thế, bài quyền, bài binh khí, kỹ thuật chiến đấu đặc thù. Với những kỹ pháp võ thuật này, người Việt Nam đã dựng nước, mở mang và bảo vệ đất nước suốt trong quá trình lịch sử Việt Nam.

Cũng như nhiều môn võ khác trên thế giới, Võ cổ truyền Việt Nam có hai nội dung tập luyện là quyền thuật và đối kháng. Quyền thuật gồm quyền tay không, binh khí, đối luyện, nội ngoại công phu, khí công và nhiều loại hình khác. Đối kháng là nội dung thi đấu ứng dụng đòn thế, kỹ thuật, chiến thuật của bài võ và những kỹ thuật đặc thù khác dùng trong chiến đấu của các môn phái, hệ phái.

Trên thực tế, đối kháng là nội dung hấp dẫn, thể hiện trình độ của người tập võ, luyện võ hay nói khác hơn đối kháng dùng ấn chứng công phu cao thấp của người dụng võ. Trước đây loại hình thi đấu đối kháng Võ cổ truyền Việt Nam dưới dạng đấu tự do, dùng tất cả các thế, miếng, đòn kỹ thuật, chiến thuật cộng với sự khôn ngoan, khéo léo, tinh thần dũng cảm, ý chí ngoan cường, quyết chiến để trường tồn.

Ngày nay, trên tinh thần thể thao đoàn kết, cao thượng, nội dung thi đấu đối kháng Võ cổ truyền Việt Nam phải theo Luật thi đấu, nhằm mục đích sức khoẻ, an toàn thân thể, phát huy kỹ năng, kỹ xảo, trí thông minh, can trường, sáng tạo dưới hình thức kỹ thuật, chiến thuật và tinh thần thượng võ.

Tại các võ đường Võ cổ truyền Việt Nam, võ sư dạy quyền thuật, đấu luyện quy ước, đấu luyện linh tính, song đấu tự do rồi đến hình thức đối kháng trên sàn đấu, trên võ đài. Luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam hiện tại áp dụng cho các giải thi đấu là đối kháng trên võ đài.

Võ đài đối kháng Võ cổ truyền Việt Nam ngày nay mang thông điệp truyền thống dân tộc trong thời đại thể thao hiện đại đến với mọi người trong nước và trên thế giới.

Phần 2 - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ĐỐI KHÁNG

– Võ đài

– Trang thiết bị thi đấu

– Trang phục võ sĩ

– Ban tổ chức

– Ban trọng tài

– Nội dung và thể thức thi đấu

– Hệ thống tính điểm

– Những quy định và hình thức thắng, thua trên võ đài.

– Luật thi đấu

Định hướng Võ cổ truyền hiện tại là thể thao thực dụng, an toàn thân thể, thoải mái tinh thần và mang lại sức khoẻ cho mọi người. Với nội dung đối kháng, một số bước căn bản mà người võ sĩ phải có kiến thức trước khi thượng đài:

1. TINH THẦN

– Bình tĩnh

– Tự tin

– Thông minh

– Can đảm

– Thượng võ

– Sáng tạo

– Khả năng phán đoán

– Biết mình, biết người, không coi thường đối thủ

– Sức chịu đựng tâm lý.

2. THỂ CHẤT

– Sức khoẻ tốt

– Biết buông lỏng, thoải mái không gò bó cơ bắp

– Sức nhanh

– Sức mạnh

– Sức bền

– Độ khéo léo

– Có khả năng chịu đựng khi va chạm đòn thế trên cơ thể.

3. TRANG BỊ CÁ NHÂN

– Băng tay: Dùng vải mềm hay vải đàn hồi để quấn bàn tay trước khi mang găng thi đấu. Băng tay có thể dài đến 2,50m, chiếu ngang 4,5cm, găng tay thi đấu lớn hay nhỏ tuỳ theo kích cỡ cho các hạng cân khác nhau. Quấn băng tay bằng cách móc một đầu băng vào ngón tay cái, băng cổ tay trước, sau đó lên lưng bàn tay và khớp ngón tay cái, rồi băng một phần các ngón còn lại, cuối cùng trở lại về khớp cổ tay. Băng không quá chặt để máu lưu thông và cũng không quá lỏng để bảo vệ các dây chằng và khớp xương được an toàn.

– Băng chân

– Bảo vệ răng

– Coquille (shell) bảo vệ hạ bộ

– Nón che đầu

– Áo giáp thi đấu

– Găng đấu

4. DỤNG CỤ TẬP LUYỆN

Dụng cụ tập luyện cần quy chuẩn, chất lượng tốt để giữ an toàn cho người tập và nâng cao chất lượng luyện tập. Võ cổ truyền Việt Nam thi đấu bằng cả đòn tay, đòn chân, đòn đánh ngã. Theo Luật thi đấu Võ cổ truyền hiện nay không cho phép sử dụng kỹ thuật chỏ, gối. Do vậy trang thiết bị tập luyện cần cho cả đòn tay và đòn chân.

– Bao cát lớn (loại treo)

– Bao cát lớn (loại con lật đật)

– Bao cát nhỏ

– Bóng đàn hồi

– Dây nhảy

– Vợt đá

– Gối đá

– Lăm pơ

– Găng đấm bao cát

– Găng đấu tập

– Găng thi đấu

– Người gỗ (mặt và bụng bọc mút dày để dùng tập cho cả đòn tay và đòn chân)

– Gương soi lớn toàn thân để tự điều chỉnh kỹ thuật

5. KHỞI ĐỘNG

Khởi động là quá trình chuẩn bị cho cơ thể trước khi tập luyện hay thi đấu về thể chất, tinh thần và trí lực, mục đích là chuẩn bị cho cơ thể trước khi tập luyện hay thi đấu.

– Hệ tim mạch hoạt động tăng lên nhằm đưa máu đủ vào các cơ, khớp và các chi trên toàn thân.

– Hệ xương, khớp, thần kinh được dẻo dai, linh hoạt.

– Tinh thần được tập trung.

Các động tác khởi động phải phối hợp khoa hoc với hơi thở. Hơi thở cần phải được khởi động bằng hơi thở bụng, hít vô bằng mũi chậm và sâu, vận động viên thở vào chậm qua mũi và thở ra cũng bằng mũi. Thở bụng là khi hít vào bụng phình ra và khi thở ra bụng hóp lại, khi hít vào hết sức, hơi thở được ngưng 5 – 10 giây rồi thở ra chậm lại. Hơi thở sâu và chậm làm tim đập chậm lại đưa nhiều oxy vào các mô và làm tăng mức chịu đựng của hệ tim mạch. Thở sâu và chậm là một kỹ thuật thư giãn quan trọng giúp võ sĩ chuẩn bị tốt cho sự tập luyện và thi đấu với nhiều cường độ khác nhau.

Phần 3 - KỸ THUẬT CĂN BẢN TỔNG QUÁT

Thi đấu đối kháng Võ cổ truyền Việt Nam cũng có đầy đủ những kỹ thuật căn bản như quyền thuật nhưng thực dụng và hiệu quả.

1. TẤN PHÁP

Tấn pháp là thuật ngữ võ thuật dùng để chỉ phương thức tạo thành các bộ vị đứng. Tấn được hình dung như nền móng của một cái nhà. Nhà muốn xây kiên cố thì phải có móng vững chắc, nhà muốn xây cao thì móng phải sâu.

Tấn pháp quan trọng vì nó đảm bảo sự thăng bằng lý tưởng phù hợp với các trường hợp khác nhau trong ứng dụng võ thuật và sẽ không đạt được đến sức mạnh tối đa nếu không hoàn thiện tấn pháp. Trong cả hai phần tấn công và phòng ngự sẽ phát huy được đúng kỹ thuật và có lực mạnh là nhờ vào sự thăng bằng của cơ thể và sự vững chắc của các thế tấn.

2. BỘ PHÁP

Bộ pháp là thuật ngữ võ thuật dùng để chỉ phương pháp di chuyển, là nghệ thuật di chuyển các bộ tấn. Phương pháp di chuyển thì có nhiều

cách nhưng phải đảm bảo nguyên tắc kỹ thuật, đúng phương vị, linh hoạt và vững vàng, cơ thể phải nhẹ nhàng, trọng tâm phải hợp lý.

Bộ pháp có một vị trí quan trọng trong võ thuật. Luyện tập bộ pháp kiên trì, cần mẫn thì bộ pháp sẽ nhuần nhuyễn, linh hoạt biến hoá dị thường, có thể xuất nhập tuỳ ý. Có thể tiếp cận đối phương nhanh để ra đòn kỹ thuật mà đối phương không kịp né tránh, hoặc có thể thoát ly khỏi tầm tấn công của đối phương mà đối phương chưa kịp ra đòn. Những lỗi lầm trong phương pháp di chuyển sẽ dẫn đến thất bại trong nhiều tình huống.

3. THÂN PHÁP

Nếu yêu cầu đặt ra cho tấn pháp là thăng bằng, vững chắc, cho bộ pháp là uyển chuyển, thuần thục; thì yêu cầu của thân pháp phải biến hoá, linh hoạt, né trái, né phải, lúc thấp, lúc cao khiến cho đối phương khôn lường, khó đoán.

Trên thực tế thân pháp gắn liền cùng bộ pháp, bộ pháp gắn liền cùng tấn pháp, sự gắn liền như hình với bóng. Thân pháp là nghệ thuật đỉnh cao của sự phối hợp ấy.

Có thể hiểu thân pháp là phương pháp hướng dẫn cách di động thân thể về phía trước, phía sau, nghiêng trái, né phải, tạo nên một sự uyển chuyển hiệu quả đẹp mắt trong thi triển quyền pháp hay thi đấu. Người giỏi thân pháp thì cơ thể khinh linh, ảo diệu, linh hoạt biến hoá, vặn mình tránh né, lúc đứng, lúc ngồi, lúc nhảy, lúc nhào lăn, lướt tả, xông hữu, tiến tới, thối lui…khó đoán được công hay thủ.

4. THỦ PHÁP

Thủ pháp là thuật ngữ võ thuật dùng chỉ kỹ thuật sử dụng các đòn tay. Kỹ thuật đòn tay là tinh hoa của Võ thuật cổ truyền và có một vị trí quan trọng do tính biến hoá kỳ diệu của nghệ thuật sử dụng. Trong kỹ thuật quyền cũng như chiến đấu, đòn tay bao giờ cũng chiếm số lượng nhiều với hình thức đa dạng, phong phú về cả hai mặt tấn công lẫn phòng thủ. Do tính đặc trưng tượng hình nên các kỹ thuật mô phỏng hình thức chiến đấu của các loài thú được thực hiện làm nên tính hiệu quả thực dụng và thẩm mỹ trong diễn luyện Võ thuật cổ truyền.

Kỹ thuật thủ pháp căn bản của Võ thuật cổ truyền thường được hệ thống thành các bộ như sau:

– Bộ Thôi sơn: Kỹ thuật sử dụng nắm đấm.

– Bộ Hùng chưởng: Kỹ thuật sử dụng ức bàn tay.

– Bộ Phượng dực: Kỹ thuật sử dụng cùi chỏ.

– Bộ Cương đao: Kỹ thuật sử dụng cạnh bàn tay.

– Bộ Thủ chỉ: Kỹ thuật sử dụng các ngón tay.

5. CƯỚC PHÁP

Thuật ngữ cước pháp trong võ thuật dùng để chỉ kỹ thuật và phương pháp sử dụng đòn chân qua hình thức các thế đá.

Chân như hai bánh xe chuyên chở thân mình, là thành phần chủ yếu dùng để di chuyển, do vậy yêu cầu tấn thăng bằng, vững chắc, di chuyển linh hoạt, thuần thục. Các phần của bàn chân để hình thành các thế đá là mũi bàn chân, ức bàn chân, gót chân, cạnh bàn chân ngoài, cạnh bàn chân trong, lưng bàn chân, lòng bàn chân và đặc biệt là đầu gối.

Đòn chân cũng như đòn tay đòi hỏi sự linh hoạt, biến hoá…Kỹ thuật các đòn chân cần sự phối hợp của mắt cá, đầu gối, đùi, lực hông. Đòn chân có ưu thế về khoảng cách chiều dài trong tấn công và có sức mạnh thường được ví “một đòn đá bằng ba đòn đấm” vốn lại mang những yếu tố bất ngờ trong sử dụng. Tuy nhiên, khi đá thì một chân ra đòn, toàn bộ trong lượng cơ thể chịu trên một chân còn lại, vì vậy yếu tố thăng bằng rất quan trọng.

Có nhiều phương pháp, kỹ thuật để tập các đòn chân. Khi đá, chân phải nhanh, mạnh và rút chân về sau khi đã hoàn tất kỹ thuật đá, gót chân trụ không được nhón lên, phải sử dụng lực hông và toàn thân.

Các thế đá trong Võ thuật cổ truyền thường được phân ra như sau:

– Bộ tiền cước (các thế đá về phía trước).

– Bộ hậu cước (các thế đá về phía sau).

– Bộ hoành cước (các thế đá vòng).

– Bộ phi cước (các thế đá bay).

Và kỹ thuật sử dụng các thế “đánh” bằng đầu gối.

– Gối thẳng từ dưới lên.

– Gối xéo từ ngoài vào.

– Gối xéo từ trong ra.

– Gối bay.

Tùy theo thế đá mà các điểm chạm mục tiêu trong cước pháp là mũi bàn chân, ức bàn chân, cạnh ngoài và trong bàn chân, lưng bàn chân, lòng bàn chân, gót chân, ống chân…

6. NHÃN PHÁP

Võ thuật chú trọng đôi mắt. Người xưa nói rằng: “Thần xuất ư nhãn trung”. Người luyện tập đến trình độ võ công cao trong mắt có thần.

Yêu cầu về diễn luyện quyền thuật, không phải chỉ ngoài các yếu tố kỹ thuật, tốc độ, sức mạnh…mà còn một số yếu tố khác trong đó có nhãn pháp, có nghĩa là qua đôi mắt làm sáng lên sức sống của bài quyền mà chúng ta thường nói cái “hồn” của bài quyền là vậy. Theo cấu tạo các động tác kỹ thuật, chiêu thức chiến đấu của bài quyền mà người diễn luyện phải biết sử dụng nhãn pháp theo các hướng trên, dưới, trước, sau, phải, trái của chiêu thức trong bài. Ngay cả tốc độ, sức mạnh của đòn thế cũng được thể hiện qua đôi mắt và nhất là các kỹ thuật đặc thù võ thuật cổ truyền tượng hình muông thú, nghệ thuật sử dụng mắt lại càng được chú trọng giúp cho công phu sắc xảo hơn. Khi tập luyện đạt trình độ đỉnh cao, đôi mắt đủ uy lực để thể hiện sức mạnh đầy tính nghệ thuật lẫn huyền bí của nhãn pháp.

Trong chiến đấu thật sự, đôi mắt lại càng có vai trò quan trọng đặc biệt để quan sát địa hình, địa vật, nhìn vào mắt đối phương để đọc ý đồ của đối phương, nhờ vậy mà người dụng võ nhận định được khả năng của đối phương để không phải đón thừa, đỡ thiếu. Để có chính kiến thường phải được chứng minh qua trình độ tập luyện, khổ luyện thật sự của người học võ. Những quan điểm thuần lý thuyết mà không có thực tế của công phu võ thuật có thể dẫn đến những kết quả ngược lại, nhưng dù sao thì sự tiên liệu và biến hoá theo mọi tình huống để giữ ưu thế trong chiến đấu thì nhãn pháp vẫn góp phần quan trọng thật sự bởi cái tầm quan sát tổng quan của đôi mắt. Ở trình độ cao, người võ sĩ nhìn vào mắt đối phương có thể biết được đối phương sẽ sử dụng kỹ thuật nào.

7. KHÍ PHÁP

Khí pháp là phương pháp luyện thở trong võ thuật. Quan niệm của các nhà khí công võ thuật cho rằng khí là chúa tể của sức mạnh. Muốn có sức mạnh phải biết khí. Với mục đích khiêm tốn giúp người tập võ có sức khỏe, tăng cường sinh lực và phát huy được sức mạnh trong dụng võ thì phương pháp thở đúng rất quan trọng, ảnh hưởng tốt đến bộ máy hô hấp, bộ máy tuần hoàn, tăng sức chịu đựng của cơ thể, đáp ứng yêu cầu hoạt động nhanh, mạnh, bền bỉ, hạn chế sự mệt mỏi cơ thể khi phải tập luyện và thi đấu võ thuật ở cường độ cao. Thực tế về chức năng của bộ máy hô hấp là thở, có nghĩa là đem dưỡng khí (oxy) vào cơ thể và tống thán khí (carbonic) ra ngoài cơ thể.

8. TÂM PHÁP

Tâm pháp là một trong những công phu đỉnh cao của võ thuật cổ truyền, bởi vì trên thực tế có rất nhiều phương pháp, bài tập hướng dẫn, phân tích tập luyện nhưng đạt được đến trình độ tâm pháp an định là một điều không mấy dễ dàng.

Binh thư xưa có viết: “Thủ như sử nữ, thể như thoát thỏ, Càn khôn pháp thuật do dịch khí – Thần lực định Tâm chủ tiên cơ ”. Có nghĩa là kín đáo, dịu dàng như trinh nữ, nhanh như thỏ chạy. Trời đất, phép tắc, nghệ thuật đều do “Dịch”. Thần lực có trước tiên do định tâm. Tâm an định thì mới nhàn hạ tự nhiên mà ứng biến, tránh được sự bối rối hoảng hốt. Có như vậy thì lòng tự tin mới dấy lên và ý chí kiên cường mới đủ để làm chủ được bản thân mình mà dụng võ không vụng về, sai lệch, bằng không thì kết quả sẽ ngược lại. Mất bình tĩnh thì sẽ mất tinh thần, khí huyết ứ trệ, bấn loạn, đòn thế sẽ không linh hoạt, tự đưa mình vào thế bị động.

Phần 4 - KỸ THUẬT CĂN BẢN ĐỐI KHÁNG

– Trình tự thượng đài

– Chào kính

– Xe đài

1. THẾ THỦ

Kỹ thuật đối kháng Võ cổ truyền Việt Nam đa dạng, phong phú, sử dụng cả tay lẫn chân (trừ chỏ, gối theo Luật) và đánh ngã, không hạn chế số lần ra đòn, nên thế thủ phải là tư thế phù hợp với lối đánh trên võ đài.

Thế thủ là vị thế khởi đầu trận đấu, thuận lợi khi tấn công, an toàn khi phòng thủ, tránh né; chắc chắn, vững vàng nhưng linh hoạt. Đây là tư thế quan trọng của người võ sĩ. Không có tiêu chuẩn cố định nào cho thế thủ mà thường võ sĩ chọn cho mình một tư thế riêng trên nền tảng căn bản võ thuật và kinh nghiệm chiến đấu trên võ đài. Thế đứng này là những thế tấn cao (thượng bộ tấn), ngắn, kín đáo. Tấn dùng cho thế thủ đối kháng là “tấn thực chiến” dựa trên vóc dáng, cân nặng, tầm tay và tinh thần chiến đấu của võ sĩ, đừng quá phụ thuộc vào nhiều loại hình tấn pháp của căn bản công không thích hợp trên võ đài.

Thường võ sĩ thuận tay phải, thế thủ chân trái trước, hai mũi chân chếch song song sang phải (hoặc bàn chân trước hướng vào trong, bàn chân sau hướng thẳng trước) khoảng cách hai chân bằng vai hoặc một vai rưỡi (tùy theo tư thế), hơi xoay người qua phải để che kín phần hạ bàn (hạ bộ), trọng tâm hợp lý để sử dụng đòn tay, đòn chân và kỹ thuật phá ngựa dễ dàng. Hai tay thủ cao đều, gập lại tự nhiên, nắm tay trước cách cằm khoảng 15 – 20cm, hoặc một tay cao, một tay thấp, phân bố vị trí hợp lý để tấn công, phòng thủ thuận lợi.

Tuỳ theo tình huống mà người võ sĩ chuẩn bị cho mình các thế thủ thuận lợi khác nhau, chân trái trước, chân phải trước hoặc đổi chân theo kỹ chiến thuật.

– Tư thế đứng bình thường, hơi gập người ngả về trước

– Tư thế đầu hơi gập cổ, má trái hơi nghiêng vào vai trái

– Trọng tâm đều, hơi khuỵ gối và hướng vào trong

– Thân xoay nhẹ vào trong và nâng nhẹ gót chân sau

– Tay thủ trước nâng lên ngang tầm mắt

– Tay thủ sau để gần cằm, cổ tay thẳng

– Tư thế ngựa tứ bình cao tay trước thấp, tay sau cao

– Tư thế trảo mã tấn, hai tay nâng cao (thuận lợi đá chân trước).

2. DI CHUYỂN

“Bộ bất ổn tắc quyền loạn”. Di chuyển là yếu tố quan trọng trong võ thuật, đặc biệt là đối kháng. Di chuyển đúng, kịp thời sẽ tạo ra nhiều cơ hội ưu thế trong trận đấu, tấn công khi đối phương chưa kịp né tránh và ngược lại thoát ly khỏi tầm tấn công khi đối phương chưa kịp ra đòn. Nói về bộ pháp (phương pháp di chuyển) võ thuật có nhiều như ngựa chiếc, ngựa đôi, ngựa tứ bình, ngựa ba chân hổ, đó là những loại hình di chuyển truyền thống nhưng áp dụng cho đối kháng là loại hình thực chiến trực diện, phương pháp di chuyển cụ thể hơn.

– Từ tư thế thủ nâng nhẹ chân trước dùng lực chân sau đẩy cơ thể về trước (bước tiến). Biên độ bước tới không được quá lớn, tư thế sau khi bước tới không thay đổi.

– Từ tư thế thủ nâng nhẹ chân sau dùng lực chân trước đẩy cơ thể về sau (bước lui). Biên độ bước lui không được quá lớn, tư thế sau khi bước lui không thay đổi.

– Từ tư thế thủ tiến chân sau lên phía trước hoặc ngược lại. Biên độ bước tới hoặc lui không được quá lớn, tư thế sau khi bước không thay đổi.

– Lướt hai chân về trước hoặc về sau.

– Từ tư thế thủ đưa chân sau lên sát chân trước rồi chân trước bước tới trước và ngược lại. Biên độ bước tới hoặc lui không được quá lớn, tư thế sau khi bước không thay đổi.

– Từ tư thế thủ đưa chân sau chéo lên chân trước (kiểu chân xà) rồi chân trước bước tới trước và ngược lại (không thông dụng trên võ đài).

– Từ tư thế thủ nhảy nhẹ hoán chân (ít dùng trên võ đài).

– Từ tư thế thủ nâng nhẹ chân trước dùng lực chân sau đẩy cơ thể ngang qua trái hoặc phải (bước ngang). Biên độ bước ngang không được quá lớn, tư thế sau khi bước ngang không thay đổi.

– Từ tư thế thủ nâng nhẹ chân trước dùng lực chân sau đẩy cơ thể bước chéo 45 độ về bên trái hoặc phải (bước chéo). Biên độ bước chéo không được quá lớn, tư thế sau khi bước chéo không thay đổi.

– Từ tư thế thủ nâng nhẹ chân trước dùng lực chân sau xoay cơ thể thuận hoặc ngược chiều kim đồng hồ (xoay thân). Biên độ bước xoay không được quá lớn, tư thế sau khi bước xoay không thay đổi.

3. KỸ THUẬT ĐÒN TAY

Thủ pháp theo căn bản công Võ thuật cổ truyền Việt Nam có các hình thức nắm đấm (thôi sơn), ức bàn tay (hùng chưởng), cạnh bàn tay (cương đao), cùi chỏ (phượng dực), các ngón tay (thủ chỉ) và kỹ thuật hoa quyền (bông pháp). Nội dung đối kháng trên võ đài theo Luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam, võ sĩ phải mang găng thi đấu nên chỉ còn một loại hình duy nhất là nắm đấm (thôi sơn).

Chỉ với một số kỹ thuật của nắm đấm, qua sự biến hoá theo nhiều tình huống, đòn tay trên võ đài tạo ra những phương thức phối hợp chiến thuật thực sự làm say lòng người yêu võ.

4. ĐÒN TAY CĂN BẢN

– Đấm thẳng

– Đấm móc

– Đấm xốc

– Đấm tạt

– Đánh nghịch

– Vỗ găng, đập găng thuận, nghịch.

5. KỸ THUẬT ĐÒN CHÂN

Đối với nhiều môn võ, đòn chân phong phú, đa dạng; Phần căn bản công Võ thuật cổ truyền Việt Nam tập luyện “nhị thập tứ cước” tức là kỹ thuật 24 thế đá, nhưng trong thực tế trên võ đài không dùng hết, chỉ thiện dụng vài đòn, ngay cả trong các tình huống “chiến đấu trên đường phố” cũng có nhiều đòn trong căn bản công không hiệu quả.

Đối kháng là hình thức mặt đối mặt giữa hai võ sĩ của hai đơn vị khác nhau dùng các kỹ chiến thuật tấn công, phòng thủ gồm các thế né, tránh, gạt, đỡ, đòn tay, đòn chân, đòn đánh ngã…

6. ĐÒN CHÂN CĂN BẢN

– Đá đâm trước (xỉa)

– Đá tống trước

– Đá tống ngang

– Đá vòng cầu

– Đá quét chân trụ

– Đá tống nghịch

– Đá móc gót nghịch

– Đá nện gót, đá chẻ

– Đạp cản

7. KỸ THUẬT TẤN CÔNG PHỐI HỢP

– Phối hợp di chuyển, tay trái đấm (thẳng, móc, xốc, tạt)

– Phối hợp di chuyển, tay phải đấm (thẳng, móc, xốc, tạt)

– Phối hợp di chuyển, tay trái, phải đấm liên hoàn

– Phối hợp di chuyển, xoay người, tay trái đánh nghịch (rờ ve)

– Phối hợp di chuyển, xoay người, tay phải đánh nghịch (rờ ve)

– Di chuyển, chân trái đá

– Di chuyển, chân phải đá

– Di chuyển chân trái, chân phải đá liên hoàn

– Phối hợp chân đá, tay đấm liền theo

– Phối hợp tay đấm, chân đá liền theo

– Phối hợp chân đá, tay đấm, chân đá liên hoàn

– Phối hợp tay đấm, chân đá, tay đấm liên hoàn

8. KỸ THUẬT PHÒNG THỦ PHỐI HỢP

– Phối hợp bộ pháp tránh theo nhiều hướng khác nhau

– Phối hợp thân pháp né, nghiêng trái, phải, hụp đầu

– Kỹ thuật kéo tay phòng thủ bảo vệ vùng mặt, thái dương và cằm

– Kỹ thuật dùng tay, gạt đòn, đỡ đòn

– Kỹ thuật dùng chân đỡ đòn, phá đòn

– Kỹ thuật nâng gối (rút gối) đỡ đòn bảo vệ vùng hông, bụng

– Kỹ thuật nâng gối (rút gối), hạ chỏ bảo vệ toàn thân.

9. KỸ THUẬT PHẢN ĐÒN PHỐI HỢP

– Phối hợp né phản đòn

– Phối hợp tránh phản đòn

– Phối hợp cản phản đòn

– Phối hợp phá phản đòn

– Phối hợp đỡ phản đòn

10. KỸ THUẬT ĐÁNH NGÃ

– Đánh ngã bằng kỹ thuật đá quét chân trụ (phá mã)

– Bắt chân đối phương quét chân trụ (triệt kiều phá mã)

– Bắt chân đối phương tạo thế mất thăng bằng đánh ngã

– Gài ngựa dùng đòn tay phá đòn tay đánh ngã (niêm kiều phá mã)

– Gài ngựa áp sát gây mất thăng bằng đánh ngã.

11. CHIẾN THUẬT ĐỐI KHÁNG

Chiến thuật là kim chỉ nam cho kỹ thuật đòn thế. Chiến thuật giúp người dụng võ thủ đắc khả năng của chính mình, biết dùng cái chậm để thắng cái nhanh bằng sự khôn khéo, biết dùng cái nhanh để áp đảo cái chậm bằng sự tinh tường. Nghệ thuật đối kháng trong võ thuật là đánh đỡ, đỡ đánh. Trong đòn đánh đã là đòn đỡ, trong đòn đỡ đã là đòn đánh.

Nếu đỡ xong rồi mới bắt đầu đánh thì chậm. Vì vậy chiến thuật là yếu tố quan trọng hàng đầu trong đấu pháp.

– Hư, thực (thủ công)

– Thực, hư (công thủ)

– Hư thực, thực hư (thủ công)

– Hư hư thực thực (công thủ)

– Thực thực hư hư (công thủ – thủ công)

– Quyền biến (công, thủ, phản, biến)

– Giương Đông kích Tây (đánh lạc hướng đối thủ)

– Động quyền di ảnh (tấn công bất ngờ, di chuyển bất ngờ)

– Công đồn đả viện (tấn công nhanh và triệt đòn phản công mạnh)

– Dĩ công vi thủ (lấy công làm thủ)

– Dĩ thủ vi công (lấy thủ làm công)

– Dĩ đả vi tiêu (lấy đánh làm hóa giải)

– Di hình hoán ảnh

– Thủ phản song hành (thủ và phản đòn cùng một lúc)

12. LUYỆN CÔNG LỰC VỚI TRỢ HUẤN CỤ

– Đánh bao cát

– Đánh banh

– Đấm, đá lăm pơ

– Đánh tay vào trụ gỗ

– Đá móc chân vào trụ gỗ

– Đá bao cát

– Đạp bao cát

– Đá gối

– Đá vợt

– Xách tạ

– Đấm với tạ

– Nhảy dây

– Tập với người gỗ (loại hình dùng cho đối kháng)

– Song luyện sức chống đỡ, va chạm vai, hông, lưng

– Tập té, ngã

13. PHƯƠNG PHÁP THỞ

– Đề khí

– Trầm khí

– Tụ khí

– Thác khí

– Thở đều, điều phối hơi thở hỗ trợ cho đòn kỹ thuật

– Giữ hơi thở trầm ổn để phân bố sức trong các hiệp đấu

14. TÂM LÝ ĐỐI KHÁNG

“Tâm vô quái ngại”.

“Kẻ đại dũng trong thiên hạ, thình lình gặp nhưng điều phi thường, không kinh; vô cố gặp những điều ngang trái, không giận”.

“Biết người biết ta trăm trận không nguy” (Binh thư Tôn Tử).

“Đứng trước đối thủ ta cũng sợ lắm chứ và điều ta biết chắc rằng đối thủ cũng sợ như ta, đó là bí quyết để thắng” (Phim Nevada Smith).

“Liệt Ngự Khấu cùng với Bá – Hôn Vô Nhân bắn cung, Liệt Ngự Khấu tay cầm cung, chỗ cùi chỏ để một chung nước, bắn liên tiếp mấy phát mà mặt nước trong cái chung không chao động. Bá Hôn Vô Nhân nói : “Cái cách bắn ấy là cách của người quá lo lắng trong việc bắn, chưa phải là cách bắn của người thản nhiên đến việc bắn. Anh hãy đi với tôi lên núi cao kia kiếm chỗ gần hố sâu thăm thẳm mà bắn, chừng ấy sẽ biết anh giữ đặng vẻ điểm tĩnh ấy nữa không.”

Rồi hai người cùng đi. Bá Hôn Vô Nhân, đứng tận đỉnh núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm, chân đứng nửa trên mặt đất, nửa ngoài không không, nghiêng đầu ra sau và giương cung lên… Liệt Ngự Khấu thấy vậy mồ hôi toát ra, sợ quá té xỉu trên mặt đất. Bá Hôn Vô Nhân cười: “Bậc chí nhân, con mắt trên ngó tận mây xanh, dưới xem tận đáy đất, ngoài xem tận chân trời, mà lòng vẫn không nao núng. Có như thế thời mới bắn được cái bắn thản nhiên… Chí như anh, chưa gì cặp mắt đã hốt hoảng, lo sợ, thì có bắn làm gì mà bắn cho trúng đặng”. (Liệt Tử Xung Hư Chân Kinh).


  • GHI CHÚ:

Tài liệu biên soạn dùng tham khảo huấn luyện:

– Theo Luật thi đấu Võ cổ truyền Việt Nam hiện hành.

– Giới thiệu tổng quan đề cương căn bản.

– Kỹ thuật căn bản thực tế; Lý thuyết đi đôi với thực hành; Giải lý thuyết để thực hành.

– Bài soạn không phải là khuôn mẫu mà chỉ giới thiệu một phần kiến thức tổng quát trong kho tàng rộng lớn của đấu pháp.

Category: Nghệ thuật trống hội | Views: 587 | Added by: admin | Rating: 5.0/1
Total comments: 0
avatar